Tiêm kích thực hiện động tác 'Rắn hổ mang' đầu tiên không phải là Su-27 Nga
Không phải tiêm kích Su-27 của Nga, mà chính chiếc Saab 35 Draken của Thụy Điển mới là chiến đấu cơ đã thực hiện thành công động tác bay kiểu 'Rắn hổ mang' đầu tiên trên thế giới.
"Rắn hổ mang" là động tác thao diễn ngoạn mục của máy bay chiến đấu, được phi công Liên Xô Viktor Pugachev biểu diễn trên tiêm kích Su-27 Flanker vào năm 1989 tại Triển lãm Hàng không Paris Le Bourget.
Khi thực hiện động tác này, máy bay ngóc mạnh mũi lên cho đến khi ngả về phía sau, nhưng vẫn giữ hướng của bay như cũ. Như vậy, máy bay ra khỏi góc lớn hơn 90 độ, sau đó lại trở về chế độ bay bình thường mà hầu như không bị mất độ cao.
Khả năng giảm tốc độ đột ngột hãm động lực có ý nghĩa thực tế trong không chiến. Nó giúp máy bay chiến đấu cắt đuôi khỏi đối thủ trong cận chiến, cản trở tên lửa đối phương tự động bắt mục tiêu. Ngay sau khi động tác bay này được thực hiện, giới chuyên gia đã đánh giá cao và thường gắn kiểu bay này với tiêm kích Su-27.
Tuy nhiên, ítai biết rằng không phải Su-27 là chiến đấu cơ thực hiện động tác bay "Rắn hổ mang" đầu tiên, mà là chiến đấu cơ Saab 35 Draken của Thụy Điển, chúng đã thực hiện động tác bay này trước Su-27 đến cả chục năm.
"Không phải tiêm kích Su-27 của Không quân Nga, mà chính chiếc Saab 35 Draken của chúng tôi với những thiết kế đặc biệt và khả năng siêu cơ động của mình đã thực hiện thành công động tác bay kiểu "Rắn hổ mang" đầu tiên", vị đại diện của Không quân Thụy Điển cho biết.
Saab 35 Draken có nghĩa là Rồng trời, là một tiêm kích của Thụy Điển do hãng Saab thiết kế và chế tạo. Đây được coi là mẫu chiến đấu cơ cận âm có khả năng cơ động cực tốt, rất đáng sợ và hiệu quả trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh.
Đã có tới 644 chiếc thuộc đủ các biến thể xuất xưởng, và chúng chỉ ngưng hoạt động hoàn toàn vào năm 2005. Không quân Áo là nước cuối cùng sử dụng những chiếc tiêm kích Saab 35 này. Với kiểu thiết kế có phần khác lạ so với những máy bay cùng thời, nhưng bù lại chúng lại có độ cơ động đáng nể, với động cơ Volvo RM 6C có lực đẩy đốt sau lên tới 78,7 kN, Saab 35 Draken có thể cất hạ cánh ở những đường băng ngắn, và đạt tốc độ tối đa lên tới Mach 2,2. Kho vũ khí của chúng gồm hai pháo 30 ly, các điểm treo dưới cánh có thể mang bom, tên lửa không đối không, không đối đất, và cả tên lửa diệt hạm.