Tiêm liều vaccine Covid-19 tăng cường, liệu có cần thiết?

Các nhà khoa học đang đặt ra rất nhiều câu hỏi về việc tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ ba nhằm tăng cường cho hệ miễn dịch, tuy nhiên hiện vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, đã từng khẳng định với một tiểu ban của Thượng viện Mỹ rằng, sự bảo vệ của các liều vaccine Covid-19 “sẽ không kéo dài vô hạn”.

Giới khoa học vẫn đang tranh cãi liệu có cần đến mũi vaccine Covid-19 thứ ba hay không?

Giới khoa học vẫn đang tranh cãi liệu có cần đến mũi vaccine Covid-19 thứ ba hay không?

Trên thực tế, các loại vaccine mô phỏng quá trình nhiễm bệnh tự nhiên. Đối với một số bệnh như sởi, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể duy trì suốt đời chỉ sau một lần lây nhiễm. Nhưng với những mầm bệnh khác như cúm hoặc uốn ván, miễn dịch có thể sẽ suy yếu dần theo thời gian.

Chính vì vậy, có những loại vaccine chỉ cần tiêm một liều nhưng có những loại vaccine sẽ cần tiêm nhắc lại sau một khoảng thời gian.

Trước những nhận định này, các nhà khoa học trên thế giới đang đặt ra rất nhiều câu hỏi về việc, liệu có nên tiêm thêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường hoặc nhắc lại, nhằm đảm bảo thêm an toàn cho những người đã được tiêm 2 liều như chỉ định.

Vì sao cần tiêm bổ sung?

Lần đầu tiên tiêm một liều vaccine chống lại một bệnh nhiễm trùng cụ thể, đó được gọi là liều chính. Cơ thể con người sẽ sẵn sàng hình thành phản ứng miễn dịch sau khi tiêm liều vaccine chính.

Mỗi lần tiêm thêm liều vaccine chống lại cùng một bệnh, đây sẽ được gọi là liều vaccine tăng cường. Sau khi tiêm liều tăng cường, cơ thể sẽ tiếp tục sản sinh khả năng miễn dịch đã có từ mũi tiêm đầu tiên, thậm chí là mạnh hơn trước.

Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra những biến thể mới lây lan nhanh chóng, nguy hiểm hơn và làm ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của vaccine. Vì vậy, giả thuyết tiêm thêm mũi vaccine bổ sung là hoàn toàn hợp lý, giúp người được tiêm phòng có khả năng phòng bệnh tốt hơn.

Tuy nhiên, do vaccine Covid-19 quá mới, các nước lại mới chỉ triển khai tiêm phòng được vài tháng, nên chưa ai có thể biết chắc chắn và chính xác liệu khả năng miễn dịch của các loại vaccine hiện tại có thể kéo dài bao lâu. Điều đó khiến cho nỗ lực thúc đẩy các nghiên cứu về các mũi tiêm nhắc lại trở nên quan trọng hơn.

Mới đây, Mỹ đã triển khai một thử nghiệm lâm sàng mới đối với những người được tiêm vaccine đầy đủ để xem liệu việc tiêm nhắc lại có thực sự làm tăng kháng thể và kéo dài khả năng bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ lây nhiễm hay không.

Theo New York Times, những dữ liệu ban đầu khá tích cực. Các nhà nghiên cứu thu mẫu máu từ tình nguyện viên trong các cuộc thử nghiệm vaccine, đo mức kháng thể và tế bào miễn dịch nhắm đến virus SARS-CoV-2. Kết quả cho thấy lượng kháng thể giảm từ từ. Với tốc độ này, vaccine có thể duy trì thời gian dài. Người từng mắc Covid-19 sau đó tiêm chủng được bảo vệ lâu dài hơn.

Chưa dừng lại ở đó, các nhà khoa học cũng phát hiện ra các loại vaccine khác nhau có thời gian duy trì hiệu quả khác nhau. Vaccine mạnh nhất là Moderna và Pfizer, điều chế bằng phân tử mRNA. Vaccine bất hoạt của Sinopharm (Trung Quốc) và Bharat Biotech (Ấn Độ) kém tác dụng hơn phần nào.

Có thực sự cần thiết?

Không chỉ tại Mỹ, các thí nghiệm về tiêm mũi vaccine tăng cường cũng đang được tiến hành rộng rãi ở nhiều quốc gia.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết, nước này có thể triển khai tiêm tăng cường vaccine ngừa Covid-19 vào mùa thu năm nay, nhằm giúp nước này tránh khỏi làn sóng dịch mới có thể diễn ra vào mùa đông. Hiện Anh đang tiếp tục chịu ảnh hưởng của biến thể Delta, lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ.

Bộ Y tế Nga cũng chuẩn bị khởi động chương trình tiêm lại vaccine phòng Covid-19 cho những người đã từng tiêm nhưng có lượng kháng thể giảm hoặc chưa đủ kháng thể. Nga thử nghiệm tiêm Sputnik V từ mùa thu năm 2020, như vậy đã 9 tháng kể từ khi có những người tiêm đầu tiên được tiêm vaccine phòng Covid-19 này, mức độ kháng thể bảo vệ họ đã giảm dần.

Pfizer cũng đã thực hiện thí nghiệm riêng của mình và tiêm liều vaccine thứ ba cho một số tình nguyện viên đã được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ. Với thí nghiệm này, công ty này kết luận, con người có thể cần tiêm thêm liều vaccine thứ ba trong khoảng 12 tháng kể từ lần tiêm đầu tiên.

Trong cuộc họp báo ngày 18/6 vừa qua, bà Soumya Swaminathan - nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng, WHO hiện chưa có đủ thông tin cần thiết để đưa ra khuyến nghị về việc có nên tiêm liều vaccine tăng cường hay không. Những nhận định hiện nay là quá sớm, trong bối cảnh còn rất nhiều nước có nguy cơ lây nhiễm cao trên thế giới còn chưa hoàn thành đợt tiêm chủng đầu tiên.

Việt Nam cũng đang đẩy mạnh tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19.

Việt Nam cũng đang đẩy mạnh tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19.

Tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam

Việt Nam đang đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, chủ yếu là do Biến thể Delta gây ra. Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đợt dịch này có quy mô và tính phức tạp cao hơn các vụ dịch trước vì nó bùng phát cả ở trong những bệnh viện, nơi có nhiều người bệnh nặng, nhiều bệnh lý nền, cả ở trong cộng đồng nhiều địa phương, cả ở trong các khu công nghiệp lớn.

Trong khi các cường quốc đang rục rịch chuẩn bị cho liều vaccine tăng cường thì hiện Việt Nam vẫn đang tập trung vào các mục tiêu tiêm chủng đủ 2 liều diện rộng, bởi Việt Nam đang gặp khó trong khâu tiếp cận nguồn vaccine.

Đến nay, Việt Nam đã có ký kết, cam kết hơn 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra. Trước đó, chương trình COVAX đã cam kết sẽ cung ứng 38,9 triệu liều, nhưng hiện mới chỉ có khoảng 2,5 triệu liều đã về Việt Nam.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay định hướng của Việt Nam là từ nay đến cuối năm sẽ tiêm đủ cho 70% dân số, đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Trong khi đó, các chuyên gia nhấn mạnh, vaccine Covid-19 không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ cơ thể không mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là khi đã tiêm vaccine, người tiêm có thể không mắc Covid-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.

Chính vì vậy, để chống dịch hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi sự quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19 bằng 2 con đường là thực hiện 5K và vaccine. Trong đó, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch, đẩy nhanh thực hiện chiến lược vaccine (bao gồm mua vaccine, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, tổ chức tiêm).

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến chiều ngày 22/6, Việt Nam đã tiêm 2.422.643 liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 là 121.683 người. Ngày 19/6 vừa qua, TP. Hồ Chí Minh cũng đã triển khai chiến dịch tiêm chủng 836.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca. Đây là đợt phân bổ thứ 4 và là đợt lớn nhất từ trước đến nay.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tiem-lieu-vaccine-covid-19-tang-cuong-lieu-co-can-thiet-149208.html