Tiềm lực của Thiết bị điện Gelex: 'Tay chơi' rót tiền tỷ làm hàng loạt dự án điện gió
Là ông lớn trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, sau khi bộ Công Thương thoái toàn bộ vốn, Gelex ghi nhận tốc độ tăng trưởng và quy mô tài sản ấn tượng.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió đang được các nhà đầu tư “chạy đua” để hưởng mức ưu đãi 8,5 cent/kWh trước tháng 11/2021.
Trong một báo cáo phân tích mới đây từ công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã chứng khoán: GEX) cũng đang gia tăng công suất năng lượng tái tạo, dự tăng gấp đôi lên 240MW vào năm 2021.
Cụ thể, công ty này đặt kế hoạch các dự án trang trại điện gió mới với tổng công suất 140 MW (Hướng Phùng và Gelex 1, 2 & 3) sẽ đi vào hoạt động vào tháng 10/2021, trước thời hạn tháng 11/2021 để nhận được biểu phí đấu nối ưu đãi 8,5 cent/kWh. Với điện gió, đây là một bước đi đón đầu của Gelex bởi đây là lĩnh vực đang Chính phủ khuyến khích đầu tư.
Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam vốn được biết đến là ông lớn trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, tiền thân là tổng công ty Thiết bị Kỹ thuật điện, được thành lập vào năm 1990 theo quyết định của Bộ trưởng bộ Công nghiệp nặng (nay là bộ Công Thương).
Đến cuối tháng 5/2006, công ty này đổi tên thành Thiết bị Điện Việt Nam và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Đến tháng 12/2010, chính thức chuyển thành tổng công ty Cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam với số vốn điều lệ là 1.400 tỷ đồng. Lúc này, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Gelex là bộ Công Thương, nắm giữ 87,17% vốn.
Doanh nghiệp này giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước xuống còn 78,74%, tăng vốn điều lệ lên 1.550 tỷ đồng khi phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt vào tháng 8/2015.
Đến tháng 12/2015, bộ Công Thương đem bán toàn bộ 78,74% vốn Nhà nước, tương đương 122 triệu cổ phiếu GEX và thu về hơn 2.100 tỷ đồng. Phiên thoái vốn này thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, khi cả trăm triệu cổ phiếu “cháy hàng” chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ. Hơn ba năm sau, Gelex chuyển niêm yết cổ phiếu sang sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với vốn điều lệ tăng lên gần 2.670 tỷ đồng.
Sau khi thực hiện tái cấu trúc toàn diện vào năm 2018, đến nay, vốn điều lệ của Gelex đã lên tới 4,882 tỷ đồng. Doanh nghiệp này tập trung 2 lĩnh vực chính là sản xuất công nghiệp (gồm 4 sản phẩm chính là dây và cáp điện, máy biến áp, động cơ điện và thiết bị đo điện) và hạ tầng (gồm điện và nước sạch, bất động sản thương mại và bất động sản khu công nghiệp) với tổng giá trị vốn hóa hơn 11.000 tỷ đồng.
Gelex đang nắm giữ cổ phần tại tổng Công ty Viglacera - CTCP (46,07%), công ty Cổ phần Thiết bị điện (89,69%), tổng công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển KCN Dầu khí Long Sơn (25,47%) và công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai (4,13%).
Tại ngày 31/12/2020, Gelex sở hữu trực tiếp 2 công ty con là công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex và công ty Cổ phần thiết bị điện Gelex. Công ty con sở hữu trực tiếp bởi Gelex cũng sở hữu hàng loạt các công ty con. Cụ thể, công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex sở hữu các công ty con là công ty TNHH Một thành viên Năng lượng Gelex Ninh Thuận; công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà; công ty TNHH Điện gió Hướng Phùng; công ty Cổ phần Năng lượng Gelex Quảng Trị; công ty Cổ phần Năng lượng Gelex Đắk Lắk; công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex Tây Ninh và công ty Cổ phần Dịch vụ Năng lượng Gelex.
Công ty Cổ phần thiết bị điện Gelex sở hữu các công ty con gồm: công ty Cổ phần Dây Cáp Điện Việt Nam; công ty TNHH MTV Cadivi Đồng Nai; công ty Dây đồng Việt Nam CFT; công ty Cổ phần Thiết bị điện (THIBDI); công ty Cổ phần Sản xuất Thiết bị điện Đông Anh; công ty Cổ phần Chế tạo Điện Cơ Hà Nội; công ty Cổ phần Điện Cơ Hà Nội.
Bứt phá sau khi “xả” hết vốn Nhà nước
Kết quả kinh doanh qua các năm của Gelex cho thấy, kể từ khi thoát khỏi cái bóng là doanh nghiệp Nhà nước, kết quả kinh doanh của Gelex thăng hoa hơn.
Năm 2017, lợi nhuận của doanh nghiệp này đạt 1.658 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2016. Nguồn thu cũng dư dả hơn khi doanh thu thuần tăng 64% lên 11.986 tỷ đồng. Sang năm 2018, đà tăng trưởng vẫn được giữ vững, doanh thu và lợi nhuận đạt trên 13.699 tỷ đồng và 1.533 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 34% so với năm trước.
Trong năm 2019, Gelex đẩy mạnh dư nợ vay nhằm bổ sung nguồn vốn cho quá trình mở rộng đầu tư, thâu tóm các công ty chiến lược khiến chi phí tài chính tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận cả năm. Tuy nhiên, doanh thu thuần vẫn tăng trưởng 10%.
Lũy kế năm 2020, doanh thu thuần của Gelex tăng 17,2% so với năm 2019, đạt 17.949 tỷ đồng, vượt 449 tỷ đồng so với kế hoạch theo phương án không hợp nhất Viglacera. Lợi nhuận trước thuế tăng 10,8% so với 2019, đạt 1.187 tỷ đồng, vượt 61,45% so với kế hoạch năm.
Dự kiến, trong năm 2021 này, Gelex vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng sở hữu tại Viglacera lên mức chi phối. Hơn 2.250 tỷ đồng đã được công ty chi ra để gom thêm cổ phiếu VGC trong năm 2020 nhưng tỷ lệ sở hữu hiện tại mới là 46,07%.
Tự tin với việc sẽ hợp nhất được Viglacera trong năm 2021 nên ban lãnh đạo Gelex dự kiến đạt tổng doanh thu 32.000 - 33.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.700 - 1.900 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2020.
Rót tiền tỷ làm hàng loạt dự án điện gió
Khi tham gia đầu tư vào nguồn phát điện, tập trung vào năng lượng tái tạo với điện gió và trang trại điện mặt trời. Hiện Gelex đang sở hữu tổng cộng 4 dự án nguồn phát điện, với tổng công suất 122 MW điện tại các dự án: Thủy điện Sông Bung 4A, công suất 49 MW; Thủy điện Canan 1 - 2, tổng công suất 23 MW và Điện mặt trời Ninh Thuận, tổng công suất 50 MW.
Doanh nghiệp này cũng đang đầu tư vào các dự án điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp, nhà máy của CAV, Viglacera và các đối tác với công suất dự kiến khoảng 22 MW. Đồng thời, tiếp tục khảo sát lập dự án điện gió gần bờ với tổng công suất dự kiến 800MW, điện gió Đăk Nông 200MW, điện mặt trời trang trại 550MW ở Tây Ninh và Bình Phước.
Mới đây nhất, Gelex đã quyết định rót vốn 1.800 tỷ đồng vào 5 dự án điện gió là dự án Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2, Hướng Phùng 3 (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) với công suất của khoảng 50 MW. Nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3 (xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) với công suất mỗi nhà máy 30 MW dự kiến hoàn thành trước tháng 10/2021.
Mục tiêu trong vòng 5 năm tới, Gelex hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời và điện gió với tổng công suất 1.500MW.