Tiềm lực tài chính của Chứng khoán An Bình trước ngày lên sàn

Chứng khoán An Bình được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng và có trụ sở chính ở Hà Nội. Sau đó, công ty mở rộng thêm các chi nhánh tại khu vực miền Trung và miền Nam, hiện vốn điều lệ đã lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

Chứng khoán An Bình chuẩn bị giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM.

Chứng khoán An Bình chuẩn bị giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM.

Ngày 3/3 tới đây, Chứng khoán An Bình sẽ chốt danh sách cổ đông để phục vụ cho hồ sơ đăng ký giao dịch chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Công ty sẽ đăng ký niêm yết trên thị trường UPCoM với mã giao dịch là ABW, với số lượng cổ phiếu lưu hành 101,1 triệu đơn vị.

Chứng khoán An Bình được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng và có trụ sở chính ở Hà Nội. Sau đó, công ty mở rộng thêm các chi nhánh tại khu vực miền Trung và miền Nam. Công ty hoạt động trong các lĩnh vực môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán...

Năm 2021, năm kỉ niệm 15 năm thành lập, Chứng khoán An Bình đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên hơn 1.011 tỷ đồng và chuẩn bị kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán.

Cổ đông lớn là Tập đoàn Geleximco

Thông tin trên Báo cáo thường niên năm 2021 của công ty cho thấy, Tập đoàn Geleximco là cổ đông lớn nhất tại Chứng khoán An Bình, nắm giữ 46,36% vốn cổ phần. Ngoài ra, còn có 4 cổ đông tổ chức khác là CTCP TBIC (4,34%), CTCP Nông lâm công nghiệp An Hòa Tuyên Quang (0,44%), CTCP Nguyên liệu giấy An Hòa Tuyên Quang (0,33%). Trong các cổ đông cá nhân, có 4 cổ đông lớn với tỷ lệ nắm giữ trên 5% vốn cổ phần.

Ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Chứng khoán An Bình từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2022. Sau đó, vị trí này được giao cho bà Vũ Thị Hương, thành viên HĐQT Geleximco và cũng là em gái của ông Vũ Văn Tiền.

Về Tập đoàn Geleximco, đây là doanh nghiệp phát triển theo hướng đa ngành, tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Sản xuất công nghiệp; tài chính ngân hàng; bất động sản và thương mại dịch vụ.

Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các dự án nổi bật của Geleximco là Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long tổng mức đầu tư 900 triệu USD, công suất 620MW; Nhà máy sản xuất xi măng Thăng Long có tổng mức đầu tư 270 triệu USD với công suất 2,3 triệu tấn/năm; Nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa với công suất 130.000 tấn/năm và Nhà máy Giấy An Hòa có công suất 140.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 450 triệu USD.

Ngoài ra, Geleximco còn là một trong những cổ đông sáng lập Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Honda Việt Nam (VAP), với tổng vốn đầu tư trị giá 90 triệu USD.

Doanh nhân Vũ Văn Tiền từng là Chủ tịch của Chứng khoán An Bình.

Doanh nhân Vũ Văn Tiền từng là Chủ tịch của Chứng khoán An Bình.

Ở lĩnh vực bất động sản, thương hiệu Geleximco được biết đến với các dự án: Khu đô thị Thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza...

Ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tập đoàn sở hữu sân golf Geleximco Hòa Bình – Hilltop Valley Golf Club. Geleximco cho biết sẽ tiếp tục đầu tư những dự án sân golf kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng quy mô lớn ở Lào Cai, Hải Phòng…

Trên lĩnh vực tài chính ngân hàng, ngoài Chứng khoán An Bình, Geleximco còn là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, CTCP Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, CTCP Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình...

Kết quả kinh doanh khả quan

Về kết quả kinh doanh của Chứng khoán An Bình, giai đoạn 2018-2021, công ty đạt mức tăng trưởng khá cao về doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Năm 2021, công ty thu về hơn 105 tỷ đồng lãi sau thuế, mức cao nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính.

Năm 2022, Chứng khoán An Bình đạt tổng doanh thu 364 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 90 tỷ đồng, giảm 14%.

Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của công ty là 2.053 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. ABW tăng mạnh nắm giữ tiền mặt với khoản tiền và tương đương tiền là 175 tỷ đồng, so với đầu năm khoản này chỉ chiếm 20 tỷ đồng.

Các tài sản chính ghi nhận thông qua lãi lỗ cũng tăng mạnh từ 541 tỷ đồng lên 1.215 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu niêm yết giảm còn 21 tỷ đồng, so với đầu năm là 28 tỷ đồng. Cổ phiếu chưa niêm yết chiếm 148 tỷ đồng, so với đầu năm 47 tỷ đồng. Trái phiếu chiếm 867 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Chứng chỉ tiền gửi và hợp đồng tiền gửi 180 tỷ đồng, đây là khoản đầu tư mới của công ty trong năm 2022.

Trong các trái phiếu đầu tư, Chứng khoán An Bình đang rót mạnh nhất vào trái phiếu niêm yết của CTCP Glexhomes (228 tỷ đồng) và trái phiếu chưa niêm yết của CTCP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (636 tỷ đồng). Đây đều là các doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Geleximco đang phát triển dự án Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng (Đồ Sơn, Hải Phòng). Cụ thể, Vạn Hương là chủ đầu tư còn Glexhomes được giới thiệu là đơn vị quản lý kinh doanh và marketing.

Ngược lại, các khoản cho vay giảm mạnh từ hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn 380 tỷ đồng. Đây là thực trạng chung của các công ty chứng khoán trong năm 2022 khi thị trường biến động mạnh.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Chứng khoán An Bình là 788 tỷ đồng, giảm 150 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn chiếm 598 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng. Trong năm 2022, công ty đã tất toán xong khoản vay trái phiếu dài hạn trị giá 129 tỷ đồng, ngược lại ghi nhận 66 tỷ đồng nợ trái phiếu ngắn hạn.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tiem-luc-tai-chinh-cua-chung-khoan-an-binh-truoc-ngay-len-san-post18158.html