Tiềm năng của công nghệ blockchain tại Việt Nam
Dân số trẻ, tỷ lệ người dùng internet cao, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh lớn, thương mại điện tử phát triển nhanh…, Việt Nam được xem là quốc gia có tiềm năng lớn trong việc phát triển các ứng dụng dùng công nghệ blockchain, thay thế cho các giao dịch truyền thống trước đây.
Xu hướng tất yếu
Chia sẻ tại hội thảo “Công nghệ WBF 2019 tại Việt Nam” do Diễn đàn Blockchain thế giới (WBF) phối hợp với Quỹ OriusCapital tổ chức ngày 18/8 tại TP.HCM, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho biết, công nghệ blockchain có thể áp dụng rất nhiều vào lĩnh vực tài chính ngân hàng, chẳng hạn như vào hoạt động thanh toán.
Một số giao dịch thanh toán, đặc biệt là thanh toán quốc tế, như thanh toán trong các giao dịch xuất nhập khẩu, nếu ứng dụng công nghệ blockchain sẽ rất tiện và lợi, bởi cực kỳ nhanh và tiết kiệm.
Cụ thể, nếu như trước đây, khi giao dịch người ta phải mất nhiều thời gian, công sức để làm ra nhiều bộ hồ sơ liên quan mỗi khi thực hiện một giao dịch xuất nhập khẩu, nhưng với công nghệ blockchain thì không cần làm nhiều hồ sơ như vậy, mà chỉ cần làm duy nhất 1 bộ hồ sơ và up lên nền tảng blockchain, khi đó các bên liên quan đều có thể cùng xem, cùng chia sẻ thông tin bộ hồ sơ đó.
Theo vị chuyên gia này, ưu điểm thứ hai của công nghệ blockchain là rất nhanh, bởi chỉ cần vài giây thay vì phải mất vài ngày như trước đây. Chi phí cũng rất rẻ do không phải qua nhiều khâu trung gian.
Ngoài ra, thông tin dữ liệu của bộ hồ sơ cũng sẽ được bảo đảm do không ai có thể thay đổi dữ liệu đó trên nền tảng công nghệ blockchain nếu không có sự đồng thuận của tất cả các bên tham gia.
“Trên thực tế, công nghệ blockchain còn có thể được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác như trong giao dịch thanh toán bù trừ, bảo lãnh, cho vay, huy động vốn cộng đồng, trong lĩnh vực chứng khoán (như đăng ký chứng khoán, trong các hoạt động giao dịch…), trong các hoạt động thu thuế, kiểm toán…”, ông Cấn Văn Lực nói.
Nhưng vẫn gặp khó
Theo thống kê, Việt Nam hiện nằm trong top 20 các nước có nhiều người sử dụng internet nhất trên thế giới, các chỉ số liên quan đến “digital” cũng không thua kém, có những chỉ số cao hơn mức bình quân trên thế giới hiện nay như số lượng người dùng internet, dùng mạng xã hội, dùng điện thoại thông minh…, một số chỉ số khác rất quan trọng như dân số trẻ, tốc độ phát triển internet đứng thứ tư khu vực, tỷ lệ người dùng smart phone khá cao, thanh toán điện tử đang tăng nhanh…
Tiềm năng là vậy, nhưng việc phát triển công nghệ số, công nghệ blockchain tại Việt Nam đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Cấn Văn Lực cho biết, thách thức lớn nhất đó là do thói quen, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp còn chưa mặn mà, đồng thời sự am hiểu và tinh thần cởi mở của cơ quan quản lý còn hạn chế.
Thách thức nữa đó là chưa có khung pháp lý cụ thể để quản lý các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ, trong đó có cho vay ngân hàng, Fintech, E-KYC, quản lý tài sản số trên hệ thống; chưa có cơ sở dữ liệu định danh cá nhân tập trung; thiếu nguồn nhân lực chất lượng về AI, blockchain, Big Data…; rủi ro an ninh mạng và công nghệ thông tin ở mức khá cao; công nghệ blockchain trên thế giới hiện vẫn chưa hoàn thiện…
Từ những thách thức trên, ông Cấn Văn Lực đã kiến nghị một số giải pháp nhằm giúp phát triển nhanh, mạnh để khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường công nghệ số. Đó là xây dựng khung pháp lý về cơ chế, chính sách (kể cả thử nghiệm) trong ứng dụng công nghệ số nói chung và blockchain, Fintech, cho vay ngân hàng, cơ chế hợp tác ngân hàng-Fintech… nói riêng.
Kế đến là ban hành các tiêu chuẩn, quy định đối với các hoạt động và giao dịch ứng dụng blockchain; đẩy nhanh quá trình thanh toán không dùng tiền mặt; đổi mới mạnh mẽ giáo dục – đào tạo, đưa các chương trình đào tạo về AI, Blockchain, Big Data, an ninh mạng… vào chương trình đại học, là môn lựa chọn đối với học sinh cấp dưới…
“Kiến nghị quan trọng khác là phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thực thi chiến lược giáo dục tài chính, chiến lược quốc gia về cách mạng công nghệ 4.0 và kinh tế số; đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân” – ông Cấn Văn Lực nói và cho biết thêm,
Chính phủ mới đây cũng đã ban hành đề án quan trọng, đó là đề án kinh tế chia sẻ. Đề án này được kỳ vọng sẽ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp truyền thống với doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình mới, đặc biệt, tư duy của lãnh đạo, của cơ quan quản lý phải cởi mở hơn để có thể có được khuôn khổ pháp lý phù hợp trong bối cảnh mới, thí dụ như là cho phép cơ chế pháp lý thử nghiệm trước một thời gian, nếu làm tốt sẽ nhân rộng và cho làm tiếp.