Tiềm năng của giáo dục đại học châu Á

Trong vài thập kỷ qua, giáo dục đại học tại châu Á đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ.

Giáo dục đại học tại châu Á chú trọng yếu tố thực tiễn và tính khoa học.

Giáo dục đại học tại châu Á chú trọng yếu tố thực tiễn và tính khoa học.

Tại các bảng xếp hạng đại học toàn cầu, các trường đại học châu Á luôn xếp thứ hạng cao, khẳng định vị thế của mình trong hệ thống giáo dục đại học thế giới.

Những năm qua, Trung Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu về cải thiện chất lượng giáo dục đại học, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu. Theo bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất châu Á năm 2025 của tổ chức Times Higher Education, Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với nhiều tiến bộ đáng kể về chất lượng nghiên cứu.

Bà Caroline Wagner, chuyên gia về chính sách khoa học và công nghệ tại Đại học Bang Ohio, Mỹ nhận xét: “Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang hợp tác với các nhà khoa học và kỹ sư trên khắp thế giới. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc đã ký các thỏa thuận khoa học và công nghệ song phương và đa phương với ít nhất 115 quốc gia trên khắp thế giới và thiết lập mối quan hệ trong lĩnh vực khoa học hoặc kỹ thuật để thúc đẩy giáo dục đào tạo”.

Các trường như Đại học Tokyo, Đại học Kyoto và Đại học Tohoku tại Nhật Bản cũng có sự cải thiện vượt bậc trong bảng xếp hạng nhờ vào chất lượng nghiên cứu. Những trường này đang tiến gần hơn đến vị trí đầu bảng, với Đại học Tokyo tiến từ vị trí thứ 8 lên thứ 5 trong khi Đại học Kyoto cũng tăng mạnh từ thứ 18 lên thứ 13.

Sự phát triển của giáo dục đại học Châu Á thể hiện toàn diện ở cả khu vực ASEAN. Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và các trường đại học ở Malaysia đều đạt được những bước tiến đáng kể trong bảng xếp hạng.

Malaysia hiện có 23 trường đại học được xếp hạng, trong đó nhiều trường tăng hạng nhờ cải thiện chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Thái Lan và Indonesia cũng theo sát sự phát triển này với nhiều trường đại học được đánh giá tốt và thăng hạng.

Theo các chuyên gia, sự trỗi dậy của giáo dục đại học Châu Á sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến tương lai của giáo dục toàn cầu. GS Futao Huang, làm việc tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản, dự đoán: “Các quốc gia châu Á sẽ ‘thống trị’ về mặt nghiên cứu học thuật trong 10 hoặc 20 năm tới. Điều này không chỉ giúp các trường thu hút nhân tài mà còn tăng cường hợp tác nghiên cứu quốc tế”.

Tuy nhiên, một số nước châu Á có nguy cơ tụt lại về cạnh tranh giáo dục đại học. Hàn Quốc trước đây rất nổi bật trong các bảng xếp hạng, nhưng năm nay, đất nước này lại gặp khó khăn trong việc duy trì vị trí thứ hạng. Nguyên nhân là các trường không cải thiện được yếu tố như môi trường giảng dạy và sự kết nối với ngành công nghiệp so với khu vực.

Sự phát triển vượt bậc của giáo dục đại học tại châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á không chỉ phản ánh những tiến bộ trong nghiên cứu và giảng dạy mà còn làm thay đổi trục giáo dục toàn cầu.

Các trường đại học trong khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, đồng thời tạo ra những cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế trong tương lai.

GS Ming Cheng, làm việc tại Đại học Sheffield Hallam, Mỹ, nhấn mạnh: “Sự phát triển nhanh của giáo dục đại học châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, có thể dẫn đến sự thay đổi ngôn ngữ trong nghiên cứu khoa học toàn cầu. Tiếng Anh có thể mất đi vị thế ngôn ngữ thông dụng nhất”.

Theo Times Higher Education

Tú Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tiem-nang-cua-giao-duc-dai-hoc-chau-a-post707416.html