Tiềm năng từ chính sách xuất khẩu lao động sang Israel

Hàng ngàn công nhân Ấn Độ, từ thợ mộc, thợ sắt, thợ xây… đã và đang xếp hàng để được phỏng vấn và sàng lọc kỹ năng nhằm giành cơ hội được tuyển dụng sang làm việc ở Israel, bất chấp những cảnh báo rủi ro về cuộc xung đột đang diễn ra ở Dải Gaza.

Israel rất cần lao động nước ngoài bù đắp tình trạng thiếu lao động không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn trong các lĩnh vực như điều dưỡng và xây dựng. Thái Lan từ lâu đã là nguồn cung cấp lao động nông nghiệp quan trọng cho Israel. Trước khi xung đột với Hamas nổ ra ngày 7-10-2023, quốc gia Trung Đông này cũng đã tìm đến Ấn Độ, Sri Lanka và nhiều nơi khác để bổ sung nguồn nhân lực.

Theo thỏa thuận vừa được ký kết giữa Chính phủ Ấn Độ và Israel, khoảng 10.000 lao động ở quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ được tuyển sang làm việc ở Israel trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong khi bang Haryana và bang Uttar Pradesh của Ấn Độ đang tuyển dụng rầm rộ lao động có tay nghề sang làm việc ở Israel, thì chương trình cũng đang gây nhiều tranh cãi.

 Công nhân lành nghề ở bang Haryana, Ấn Độ chờ đợi được tuyển dụng sang làm việc Israel

Công nhân lành nghề ở bang Haryana, Ấn Độ chờ đợi được tuyển dụng sang làm việc Israel

Chính phủ Ấn Độ bị chỉ trích đã không tính đến sự an toàn khi đưa công dân vào khu vực xung đột, đồng thời bị coi là sẽ gián tiếp tước đi việc làm của lao động Palestine. Khoảng 90.000 người Palestine được cho là đã làm việc trong lĩnh vực xây dựng của Israel, Nhưng kể từ ngày 7-10-2023, quốc gia Do Thái đã hủy bỏ giấy phép lao động của hàng ngàn công nhân Palestine.

Tuy nhiên, theo tờ Nikkei Asia, Chính phủ Ấn Độ, vốn đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Israel trong những năm gần đây, đã bảo vệ nỗ lực tuyển dụng để xuất khẩu lao động. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Randhir Jaiswal tuyên bố, thỏa thuận với Israel đã bắt đầu từ lâu trước khi xung đột với Hamas nổ ra, đồng thời nhấn mạnh luật lao động ở Israel bảo vệ quyền lao động và quyền của người di cư rất nghiêm ngặt.

Khi xung đột nổ ra ở Israel, Chính phủ Ấn Độ đã phát động chiến dịch Ajay, dành các chuyến bay hồi hương cho tất cả người Ấn Độ muốn trở về nước, nhưng hầu như lao động Ấn Độ không muốn bỏ việc. Chẳng hạn như gia đình anh Gaurav Seni, 27 tuổi, đang nợ 500.000 rupee (6.000 USD). Nếu được nhận sang Israel làm việc với mức lương hứa hẹn là 137.000 rupee/tháng, anh có thể giúp gia đình thoát khỏi cảnh nợ nần chỉ trong vòng vài tháng.

Cũng như Ấn Độ, Đại sứ quán Sri Lanka tại Israel cho biết, họ chưa nhận được bất kỳ yêu cầu hồi hương nào từ khoảng 6.000 công dân đang làm việc tại Israel. Cũng có quan điểm cho rằng, việc gửi lao động đến Israel có thể giúp ích cho triển vọng kinh tế của Sri Lanka về lâu dài khi hòn đảo Nam Á này đang nỗ lực phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay, sau khi rơi vào tình trạng vỡ nợ quốc gia vào năm ngoái.

Israel được công nhận trên toàn cầu về các công nghệ và phương pháp thực hành nông nghiệp đổi mới. Ngành nông nghiệp của Israel đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tái tạo, có nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp và đầu tư mạnh vào R&D, tất cả được ghi nhận đều có thể mang lại cơ hội học tập vô giá cho người lao động đến từ các quốc gia khác.

HẠNH CHI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tiem-nang-tu-chinh-sach-xuat-khau-lao-dong-sang-israel-post724402.html