Tiềm năng và định hướng phát triển sau hợp nhất
Cùng với cả nước, từ ngày 1/7/2025, tỉnh Phú Thọ (mới) đã chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ - Vĩnh Phúc- Hòa Bình. Sự kiện chính trị trọng đại này không chỉ đánh dấu bước chuyển quan trọng trong cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, mà là bước ngoặt có tính chiến lược nhằm mở ra không gian, động lực phát triển mới với kỳ vọng lớn lao, xây dựng tỉnh Phú Thọ mới trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics, du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.

Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Phú Thọ.
Tạo ra những thay đổi đột phá
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Theo số liệu tổng hợp của các cơ quan chức năng, giai đoạn 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của 3 tỉnh đạt 7,5%; cao hơn mức bình quân giai đoạn 2016 - 2020 (7%/năm) và cao hơn bình quân chung của cả nước (6,2%/năm). Đáng chú ý, quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2024 đạt 345,6 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 6 cả nước và dự kiến năm 2025 đạt 390 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2020. Giá trị GRDP bình quân đầu người năm 2025, ước đạt 105,2 triệu đồng, tăng 1,48 lần so với năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm dự kiến đạt gần 249 nghìn tỷ đồng; riêng năm 2025 dự kiến đạt khoảng 54 nghìn tỷ đồng, tăng 8,63 nghìn tỷ đồng so với năm 2020.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong quá trình xây dựng và phát triển KT-XH của 3 tỉnh còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Trước tiên là, không gian phát triển của đơn vị hành chính-lãnh thổ sau một thời gian phát triển mạnh mẽ, đã trở nên chật hẹp, tạo nên những rào cản chia cắt nguồn lực, thị trường, gây khó khăn cho quy hoạch ngành gắn với quy hoạch không gian trước sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất sau 40 năm đổi mới.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách chưa bền vững, chủ yếu vẫn dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống và đóng góp năng lực mới của khu vực FDI; năng suất các yếu tố tổng hợp, hàm lượng khoa học công nghệ đóng góp vào tăng trưởng chưa cao. Sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ, chất lượng, thương hiệu sản phẩm chưa cao, ứng dụng công nghệ còn hạn chế; chuyển đổi hình thức tổ chức liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Công nghiệp chủ yếu phát triển theo chiều rộng, sản phẩm gia công, giá trị gia tăng thấp còn nhiều, phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI và Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Dịch vụ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế còn thấp; chưa thu hút được các dự án tạo động lực cho phát triển du lịch của tỉnh, chất lượng dịch vụ chưa cao, du lịch còn mang tính thời vụ... Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo chưa tạo động lực phát triển mới, kinh tế số chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); chưa có các trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D)...
Những hạn chế, khó khăn này không chỉ là trở lực, mà chính là mặt bằng hiện thực cần vượt qua để mở ra một mô hình phát triển mới. Việc hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình là cơ hội lịch sử để tái cấu trúc toàn diện mô hình tăng trưởng, nhằm tạo ra những thay đổi đột phá về không gian, động lực và cơ hội phát triển.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tin tưởng lựa chọn Phú Thọ là bến đỗ đầu tư.
Mở khóa tiềm năng, bứt phá mạnh mẽ
Những thành tựu nổi bật của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ 2020-2025, đã đến ngưỡng cần một không gian phát triển rộng hơn. Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, được thực hiện thông qua cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, sẽ mở ra cho tỉnh Phú Thọ mới những khả năng phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Hà - Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính: Sau sáp nhập, vị thế phát triển KT-XH của Phú Thọ sẽ có những thay đổi nhất định, với quy mô GRDP đứng thứ sáu cả nước và đứng đầu vùng Trung du miền núi phía Bắc. Phú Thọ cũng là tỉnh tiếp giáp nhiều địa phương nhất trong cả nước (7 địa phương). Đây là một lợi thế lớn cho Phú Thọ với vị trí trung tâm, cầu nối, lại giáp nhiều thị trường lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội. Do đó, Phú Thọ (mới) cần được quy hoạch thành vùng kinh tế động lực đa trung tâm, khai thác kết hợp đồng bằng - trung du - miền núi. Theo định hướng chiến lược chung, Phú Thọ nên áp dụng mô hình tăng trưởng vừa bảo đảm đột phá đầu tư, vừa tránh quá tải nền kinh tế.
PGS.TS Ngô Doãn Vịnh - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng: Việc sáp nhập mở ra một cơ hội lịch sử để tái định hình không gian phát triển của Phú Thọ theo hướng hiện đại, bền vững và cạnh tranh hơn. Với diện tích tự nhiên hơn 935 nghìn ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp và lâm nghiệp chiếm tới khoảng 80%, đây có thể xem là điểm mạnh cần khai thác có hiệu quả để phát triển công nghiệp và dịch vụ khi mà ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đã có mật độ phân bố công nghiệp, dịch vụ khá nhiều. Phú Thọ cũng nên lợi dụng thế mạnh về đất nông nghiệp, có sự rộng lớn về không gian để hình thành các vùng nông sản hàng hóa độc đáo, tập trung, quy mô lớn. Đặc biệt, Phú Thọ là cửa ngõ giao lưu giữa các tỉnh phía Bắc với Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng; đồng thời có khả năng kết nối thị trường Trung Quốc nên có điều kiện phát triển Logistics với quy mô lớn.
Đồng thuận với những nghiên cứu, đánh giá kỹ tiềm năng, thế mạnh, thành quả cũng như hạn chế, bất cập trong phát triển, cơ hội thách thức trong tương lai của tỉnh, PGS.TS Hoàng Vĩnh Hưng - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đồng tình với một trong những định hướng lớn của tỉnh Phú Thọ sau hợp nhất là tập trung phát triển các đô thị, các vùng động lực, hành lang kinh tế và thúc đẩy liên kết vùng. Trong đó, xây dựng 3 vùng động lực (vùng đô thị Việt Trì - Phú Thọ (trước đây), vùng đô thị Vĩnh Yên - Phúc Yên (trước đây) và vùng đô thị Hòa Bình - Lương Sơn (trước đây) trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, đô thị; đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao. Đồng thời với đó là phát triển 4 hành lang kinh tế gắn với các vùng động lực của tỉnh để thúc đẩy tăng trưởng và hiệu ứng lan tỏa.

Khu du lịch hồ Hòa Bình.
Tầm nhìn dài hạn đặt ra cho tỉnh Phú Thọ mới hiện nay, không chỉ dừng ở việc tổ chức lại hành chính mà hướng tới một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics, du lịch của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và quốc gia. Để đặt được mục tiêu trên, tại Hội Thảo với chủ đề “Nhận diện tiềm năng và định hướng phát triển tỉnh Phú Thọ sau hợp nhất giai đoạn 2025 - 2030”, được tổ chức trung tuần tháng 6 vừa qua, đồng chí Trần Duy Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, định hướng trọng tâm phát triển KT-XH đến năm 2030. Trong đó: Xây dựng tỉnh Phú Thọ là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của đất nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, xe máy. Hình thành và phát triển 1 KCN công nghệ cao để thu hút các ngành mới nổi, giá trị gia tăng cao như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Lấy khu vực tỉnh Vĩnh Phúc cũ làm trung tâm công nghiệp của tỉnh. Khai thác hiệu quả lợi thế là cầu nối giữa Thủ đô Hà Nội với vùng Tây Bắc, tiếp giáp sân bay Quốc tế Nội Bài để phát triển tỉnh Phú Thọ trở thành một trong những trung tâm thương mại, logistics của vùng. Khai thác lợi thế để xây dựng Phú Thọ thành điểm đến hàng đầu, có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử gắn với lễ hội, du lịch thể thao... Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững, sinh thái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn và giá trị cao gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại văn minh. Tập trung phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng, khai thác hiệu quả không gian phát triển.
Nhìn về tương lai, chủ trương sáp nhập 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình sẽ hợp nhất những tiềm năng thế mạnh và giá trị tốt đẹp của 3 vùng đất, tạo ra nguồn năng lượng vô hạn để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng vươn mình, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo động lực phát triển mới cho toàn vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, kết nối với các khu vực trên toàn quốc và quốc tế.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tiem-nang-va-dinh-huong-phat-trien-sau-hop-nhat-235507.htm