Gia Lai mới: Phá 'điểm nghẽn', đặt mục tiêu tăng trưởng ấn tượng

GRDP tăng mạnh, thu ngân sách vượt mốc 13.000 tỷ, đầu tư công bứt phá... Gia Lai (mới) bước vào 6 tháng cuối năm với quyết tâm 'vượt lên chính mình' sau hợp nhất.

6 tháng đầu năm: Nhiều chỉ tiêu vượt kỳ vọng

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai tại Hội nghị sơ kết tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, trong 6 tháng đầu năm 2025, GRDP toàn tỉnh Gia Lai (mới) tăng 7,49%, vượt xa nhiều tỉnh trong khu vực. Trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng mạnh nhất với 10,48%; dịch vụ tăng 7,64%, nông – lâm – thủy sản tăng 4,41%. Riêng GRDP của Bình Định cũ đạt 7,92% – mức tăng gần tiệm cận các tỉnh công nghiệp trọng điểm miền Nam.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Tổng thu ngân sách Nhà nước toàn tỉnh đạt 13.656 tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ, trong đó: Bình Định đạt 10.055 tỷ đồng, Gia Lai đạt 3.601 tỷ đồng. Thu nội địa tăng vọt 42,3%. Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1.686 triệu USD, tăng 21,3%, riêng Gia Lai tăng đến 47,9%, nhờ cú hích từ giá cà phê xuất khẩu tăng 70%.

Không chỉ thu, mà chi đầu tư phát triển cũng thể hiện mức “bạo chi hợp lý”: chi ngân sách toàn tỉnh đạt 21.507 tỷ đồng, tăng gần 40% so cùng kỳ. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh được ưu tiên đặc biệt trong phân bổ.

Tính đến hết tháng 6, tổng giải ngân đầu tư công toàn tỉnh đạt 6.422 tỷ đồng, bằng 45,5% kế hoạch. Trong đó Bình Định giải ngân hơn 57,7% kế hoạch Thủ tướng giao – một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Gia Lai tuy còn thấp (33,8%) nhưng đang có chuyển biến nhanh.

Nhiều công trình quy mô lớn đã hoặc sắp khởi công: tuyến đường cất hạ cánh số 2 sân bay Phù Cát (khởi công 19/8), cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, Khu công nghiệp Phù Mỹ, cảng biển Phù Mỹ, tuyến đường nối Long Vân – Quy Hòa….

Công nghiệp tiếp tục là đầu tàu. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Gia Lai tăng 9,68%, của Bình Định tăng 9,03%. Các cụm công nghiệp như Trà Đa, Nam Pleiku, Phù Mỹ, VSIP Becamex đều có tỷ lệ lấp đầy tăng. Toàn tỉnh đã thu hút 117 dự án đầu tư (trong đó Gia Lai 49 dự án), tổng vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng.

UBND tỉnh Gia Lai giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho 58 xã phường mới trên địa bàn Bình Định (cũ).

UBND tỉnh Gia Lai giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho 58 xã phường mới trên địa bàn Bình Định (cũ).

Trong bức tranh tăng trưởng ấn tượng, điều dễ nhận thấy là Gia Lai (mới) không đặt kinh tế “đơn tuyến”. An sinh xã hội, nông nghiệp, khoa học – công nghệ, y tế, du lịch đều có sự đầu tư bài bản.

Gần 8.000 căn nhà cho người có công, hộ nghèo đã khởi công, hơn 6.800 căn đã hoàn thành, đạt 84,3%. Toàn tỉnh có hơn 255.000 ha nông sản đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Rainforest; xuất khẩu cà phê đạt hơn 750 triệu USD – chiếm 96,7% kim ngạch Gia Lai.

Trong giáo dục – y tế – chuyển đổi số, tỉnh đẩy mạnh STEM, AI trong trường phổ thông, triển khai khám chữa bệnh từ xa, số hóa quản lý hồ sơ, nâng cấp bệnh viện tuyến tỉnh. Một loạt sự kiện văn hóa, lễ hội du lịch “tung” ra như marathon, nghệ thuật đường phố, du lịch đường sắt “Về miền đất võ”… đã thu hút hơn 7,4 triệu lượt khách toàn tỉnh.

6 tháng cuối năm: Phá ‘điểm nghẽn’ để bứt tốc

Sau ngày hợp nhất 1/7, tỉnh Gia Lai (mới) bước vào hành trình phát triển chưa từng có: vừa đảm bảo sự vận hành thông suốt của bộ máy mới, vừa giữ đà tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, thu hút đầu tư và ổn định đời sống dân sinh.

Bên cạnh tăng trưởng, tỉnh thẳng thắn nhìn nhận các điểm nghẽn.

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết tình hình kinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho biết: “Gia Lai mới vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông liên kết vùng, hạ tầng thủy lợi, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin còn chưa đồng bộ. Sự khác biệt về trình độ phát triển, cơ chế quản lý, thói quen hành chính giữa hai địa phương trước đây có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành.

Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, các dự án động lực. Hệ thống Quy hoạch còn chưa đồng bộ, thiếu tính liên thông; tầm nhìn, giải pháp chiến lược để khai thác tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển sau hợp nhất chưa được làm rõ. Địa bàn rộng, dân số đông, đồng bào dân tộc thiểu số nhiều, đa tôn giáo, có biên giới, cửa khẩu cả đất liền và trên biển… tiềm ẩn và dễ nảy sinh những phức tạp về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội”.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai mới phát biểu tại hội nghị

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai mới phát biểu tại hội nghị

Để phá vỡ các điểm nghẽn nêu trên, tỉnh đã thực hiện đồng thời nhiều biện pháp, từ cơ chế, tổ chức, con người đến công nghệ. Tỉnh yêu cầu rà soát toàn bộ bộ máy mới cấp xã, bổ nhiệm lãnh đạo, bố trí trụ sở, hoàn thiện cơ sở dữ liệu công nghiệp – kinh doanh – hành chính.

Tỉnh đã ban hành quy tắc vận hành mới trên toàn hệ thống: Rõ người – Rõ việc – Rõ sản phẩm – Rõ tiến độ – Rõ trách nhiệm – Rõ thẩm quyền. Đây là cách “hóa giải xung đột tổ chức” giữa bộ máy cũ và bộ máy mới, loại bỏ tình trạng “nhiều người chịu trách nhiệm chung nhưng không ai chịu trách nhiệm riêng”.

Lãnh đạo tỉnh cũng giao chỉ tiêu phát triển KT-XH cho 135 xã, phường – đặc biệt 58 xã mới tại Bình Định đã có kịch bản tăng trưởng cụ thể và lộ trình triển khai theo quý, theo tháng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai (mới) phát biểu tại hội nghị.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai (mới) phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Không được hòa tan cái riêng, mà phải tạo nên cái chung lớn mạnh hơn. Mỗi địa phương, mỗi xã - phường cần xác định rõ vai trò trong bản đồ phát triển chung, không có chỗ cho sự trì trệ hay đổ lỗi”.

Các xã không chỉ “quản lý”, mà phải “dẫn dắt” tăng trưởng tại địa bàn. Tỉnh yêu cầu: Xây dựng chương trình hành động sát thực tiễn; Phát hiện dư địa tăng trưởng; Không để chỉ tiêu xã thấp hơn chỉ tiêu tỉnh giao

Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Địa phương nào chậm giao chỉ tiêu, thiếu năng lực tổ chức, sẽ bị kiểm điểm công khai tại giao ban tháng. Không có vùng trắng trách nhiệm”.

UBND tỉnh Gia Lai (mới) giao chỉ tiêu phát triển Kinh tế - Xã hội đến từng xã phường.

UBND tỉnh Gia Lai (mới) giao chỉ tiêu phát triển Kinh tế - Xã hội đến từng xã phường.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm các nhóm nhiệm vụ:

Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương xây dựng, hoàn thành Quy hoạch tỉnh Gia Lai (mới) thời kỳ 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch phải mang tầm nhìn chiến lược, dài hạn, khoa học, khả thi, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh khi được mở rộng không gian phát triển và đảm bảo đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, đảm bảo tính liên kết vùng và nội tỉnh, phát huy thế mạnh từng tiểu vùng sinh thái - kinh tế.

Ủy ban nhân dân tỉnh Khẩn trương rà soát, ban hành đầy đủ các quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ chế phối hợp, quy trình hành chính trong toàn hệ thống chính quyền hai cấp tỉnh – huyện; chủ động rà soát, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai (mới) phát biểu tại hội nghị.

Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai (mới) phát biểu tại hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các công trình, dự án còn vướng mắc trên địa bàn hai tỉnh trước đây, kể cả các dự án đầu tư công và dự án của các nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình đã có chủ trương hoặc có trong quy hoạch, nhất là các công trình trọng điểm, động lực cho sự phát triển của tỉnh: tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, Khu công nghiệp và bến Cảng Phù Mỹ, đường cất – hạ cánh số 2 Sân bay Phù Cát, Trung tâm hành chính mới của tỉnh, giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt tốc độ cao...

Đồng thời khẩn trương quy hoạch, đề xuất triển khai các công trình, dự án mới: các tuyến đường tăng cường kết nối giữa hai địa bàn Bình Định – Gia Lai trước đây; tuyến đường sắt nội tỉnh kết nối từ cửa khẩu, cao nguyên đến hệ thống cảng biển... Quan tâm quy hoạch, đầu tư các công trình phục vụ dân sinh như: phát triển nhà ở công vụ, nhà ở xã hội; đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi, y tế, giáo dục... nhất là ở vùng sâu, vùng xa, những địa bàn còn nhiều khó khăn.

Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phát triển Khoa học công nghệ và chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW và các chương trình, kế hoạch, các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn đảm bảo đúng, đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương; đưa công nghệ số vào toàn bộ quy trình quản lý của Nhà nước và phục vụ nhân dân nhanh chóng, đầy đủ, thực chất.

UBND tỉnh Gia Lai (mới) bước vào 6 tháng cuối năm với quyết tâm “vượt lên chính mình” sau hợp nhất.

UBND tỉnh Gia Lai (mới) bước vào 6 tháng cuối năm với quyết tâm “vượt lên chính mình” sau hợp nhất.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chuẩn hóa hệ thống dữ liệu, chỉ tiêu, báo cáo thống kê, thống nhất số liệu hai tỉnh trước đây làm cơ sở để xây dựng các kế hoạch, chương trình, kịch bản phát triển kinh tế- xã hội. Trên cơ sở đó, phân giao chỉ tiêu, nhiệm vụ đến từng ngành, từng địa phương, bảo đảm tính khả thi và sát với yêu cầu thực tiễn, trước mắt là tiếp tục phân giao chỉ tiêu cho 77 xã, phường trên địa bàn Gia Lai cũ phù hợp với tình hình, khả năng của từng địa phương.

Đặt chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng

Nếu nửa đầu năm, Gia Lai (mới) đã tăng GRDP 7,5%, thì 6 tháng cuối năm, con số kỳ vọng là 7,2 – 7,7%. Bức tranh chi tiết hơn, tại khu vực Gia Lai cũ, GRDP 6 tháng cuối năm đặt kỳ vọng tăng 5,7 – 6,5%; trong khi khu vực Bình Định (cũ) phấn đấu đạt 8,4 – 8,7%.

An Yên - Nguyễn Gia

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/gia-lai-moi-pha-diem-nghen-dat-muc-tieu-tang-truong-an-tuong-ar952453.html