Tiềm năng và xu hướng du lịch xanh của Bình Thuận

Xu hướng du lịch xanh ở Việt Nam và trên thế giới đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Du khách ngày nay quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường và lựa chọn các hoạt động du lịch có trách nhiệm, giảm thiểu tác động tiêu cực đến thiên nhiên và văn hóa địa phương.

Họ sẵn sàng trả thêm phí để bảo vệ môi trường hoặc hỗ trợ cộng đồng. Các quốc gia trên thế giới đang tích cực thúc đẩy du lịch xanh, ví dụ như Anh quốc với chương trình “Kinh doanh du lịch xanh”, Nhật Bản với du lịch nông thôn kết hợp trải nghiệm văn hóa, và Malaysia với việc khuyến khích sử dụng sản phẩm xanh và đào tạo quản lý môi trường trong các khu nghỉ dưỡng. Xu hướng này bao gồm giảm sử dụng đồ nhựa, ưu tiên phương tiện giao thông thân thiện môi trường, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại điểm đến, và lựa chọn các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Việc đạt được chứng chỉ du lịch xanh cũng đang trở thành một lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Vì vậy, du lịch xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu tất yếu để phát triển du lịch bền vững trên toàn cầu.

Hành trình chinh phục đỉnh Tà Năng - Phan Dũng. Ảnh: Đ.Hòa

Hành trình chinh phục đỉnh Tà Năng - Phan Dũng. Ảnh: Đ.Hòa

Du lịch xanh tại Bình Thuận hiện đang phát triển mạnh mẽ và được xem là một xu hướng quan trọng nhằm đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Theo ý kiến của ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, "xanh hóa" không chỉ đơn thuần là áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường mà còn là một cơ hội để nâng cao giá trị văn hóa, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn cho du khách.

Bình Thuận đã xác định rõ hướng phát triển du lịch xanh thông qua nhiều chương trình hành động, như việc đã đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, cộng đồng và nông nghiệp, kèm theo đó là khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới và sử dụng năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện này cũng gặp phải nhiều thách thức, doanh nghiệp còn hạn chế kiến thức và hành động đến tình trạng nhận thức của cộng đồng về du lịch xanh. Để giải quyết những vấn đề này, Bình Thuận cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở hạ tầng xanh và các chương trình giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường, nhằm hình thành một mô hình du lịch thực sự bền vững trong tương lai.

Chinh phục đỉnh Tà Năng - Phan Dũng. Ảnh: Đ.Hòa

Chinh phục đỉnh Tà Năng - Phan Dũng. Ảnh: Đ.Hòa

Chính quyền và ngành du lịch Bình Thuận đang tích cực triển khai chiến lược phát triển du lịch xanh bền vững, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức. Tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để hiện thực hóa mục tiêu này. Chính quyền địa phương khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, năng lượng thay thế, và chuyển đổi số để giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Đề án đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch đến năm 2030 hướng đến sử dụng hợp lý tài nguyên du lịch bền vững, bảo tồn môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, việc hướng dẫn doanh nghiệp về lộ trình chuyển đổi xanh còn thiếu sót, tỷ lệ doanh nghiệp chuyển đổi xanh còn thấp, và các mô hình du lịch xanh còn manh mún. Các vấn đề về vệ sinh môi trường, rác thải, và nhận thức của người dân cũng cần được cải thiện. Bình Thuận đang tích cực vận dụng các khái niệm và mô hình xanh vào quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né, làm tiền đề cho các khu du lịch khác. Tỉnh cũng tập trung đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch xanh.

Để phát triển du lịch xanh bền vững, Bình Thuận đang cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương, đầu tư vào sản phẩm du lịch mới, cải thiện dịch vụ, và tạo ra các điểm đến hấp dẫn. Việc sử dụng năng lượng tái tạo, tôn trọng thiên nhiên và bảo tồn văn hóa địa phương là rất quan trọng, cùng với việc đảm bảo cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Chuyển đổi xanh trong du lịch cũng cần được đặt trong tổng thể giải pháp chuyển đổi kinh tế địa phương hướng tới tăng trưởng bền vững.

HUỲNH LÊ

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tiem-nang-va-xu-huong-du-lich-xanh-cua-binh-thuan-126570.html