Tiêm phòng dại ngay khi bị chó, mèo cắn
Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận, điều trị cho 1 bệnh nhi 3 tuổi bị chó cắn nhiều vết ở trên mặt. Chú chó được gia đình hàng xóm nuôi để trông nhà. Tại thời điểm xảy ra sự việc, chó được thả rông, không rọ mõm.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, gia đình đã đưa bệnh nhi đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Theo bác sĩ Vương Phương Thảo - Khoa Mắt, Tai mũi họng - Răng hàm mặt, người trực tiếp xử lý vết thương cho bệnh nhi, cháu bé vào viện bị thương ở vùng mặt, 2 bên má, rách sát vách mũi và có nhiều vết thương hở chảy nhiều máu. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vết thương góc trong mắt bên trái vị trí gần mắt nhất. Sau khi đánh giá tình trạng vết thương, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khâu phục hồi đa vết thương và đồng thời tư vấn tiêm phòng uốn ván, tiêm huyết thanh phòng dại, dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng.
Theo Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, trong thời gian qua, đơn vị này đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị chó thả rông cắn. Hầu hết các trường hợp bị chó cắn là do chủ quan cả từ phía gia đình nuôi chó và phía trẻ.
Trước đó, cuối tháng 12/2022, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận bệnh nhân nam (30 tuổi, ở Phú Thọ) đến khám do hốt hoảng, lo âu. Nguyên nhân do khoảng 3-4 tháng trước đó, bệnh nhân bị con chó lạ cắn. Sau đó, bệnh nhân đã đánh chết con chó, đồng thời cũng không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Tại Bệnh viện, bệnh nhân khám và được chẩn đoán và làm xét nghiệm virus dại có kết quả dương tính.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng tiêm chủng của bệnh viện đã tiếp nhận 99 trường hợp bị chó, mèo cắn đến tiêm phòng dại, trong đó có 56 trường hợp nguy cơ cao phải tiêm huyết thanh dại, chiếm tỷ lệ 56%.
Theo các chuyên gia y tế, dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo).
Bác sĩ Hoàng Đình Khánh - Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương khuyến cáo, chó mèo cào, cắn rất dễ dẫn đến bệnh dại, trong khi đó đến nay bệnh truyền nhiễm này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, khi bị chó, mèo cắn người dân cần chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm dự phòng trước đối với bệnh dại. Hiện nay chưa có một bài thuốc đông y nào được nghiên cứu và công bố có thể chữa được bệnh dại. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh dại duy nhất là tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại.
Vậy xử lý ban đầu, ngay sau khi bị chó mèo cắn ra sao? BSCKII Huỳnh Thi Diễm Thúy - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park hướng dẫn: Khi bị chó, mèo cắn, cần xối rửa ngay vết thương bằng nước sạch và xà phòng trong thời gian từ 10-15 phút. Nếu không có xà phòng thì có thể chỉ xối rửa mạnh bằng nước. Đây là cách rất hiệu quả trong việc hạn chế virus bệnh dại xâm nhập vào vết thương. Sau đó, vết thương cần được rửa kỹ bằng cồn 70% hoặc dung dịch sát khuẩn iodine.
Bác sĩ sẽ đánh giá sơ qua tình trạng tiêm chủng của người bệnh: Xem tiền sử tiêm vaccin uốn ván của người bệnh (xem bệnh nhân đã được tiêm vaccine uốn ván, bạch hầu, ho gà, hay vaccine giải độc tố uốn ván trước đó hay chưa?). Có thể kê đơn dùng kháng sinh để phòng nhiễm khuẩn và chỉ định tiêm vaccine giải độc tố uốn ván khi cần thiết.
Đối với vết thương khi bị chó, mèo cắn, tuyệt đối tránh băng bó hoặc bôi thuốc kín vết thương khiến vết thương bị bí; khâu vết thương sẽ làm virus dại dễ dàng thâm nhập hơn.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương khuyến cáo, khi bị mèo, chó cắn người dân cần chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm vaccine bệnh dại. Phác đồ tiêm phòng trước phơi nhiễm đối với bệnh dại như sau: Liều cơ bản: Tiêm bắp 3 liều (0.5 ml/liều) VERORAB vào ngày 0, ngày 7, ngày 28 hoặc ngày 21. Liều nhắc lại: Sau mũi 3 một năm và cứ 5 năm nhắc lại một mũi vaccine bệnh dại.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tiem-phong-dai-ngay-khi-bi-cho-meo-can-5709560.html