Tiệm sách bên sông Seine, Paris không phải rời đi vì Thế vận hội

Tổng thống Pháp ra quyết định các 'tiệm sách của Paris' dọc bờ sông Seine sẽ không phải di dời trong Thế vận hội mùa hè 2024, khiến các chủ tiệm và giới tri thức yêu sách an lòng.

Sông Seine được gọi là "dòng sông duy nhất trên thế giới chảy giữa hai tủ sách" vì dọc 3 km bờ sông là 250 quầy sách với 900 hộp sách gồm khoảng 500.000 cuốn sách. Những "tiệm sách của Paris" này có tuổi đời hơn 400 năm và đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1992.

Một phần của đời sống văn hóa Paris

 Một số quầy sách dọc bờ sông Seine. Ảnh: comme des Francais.

Một số quầy sách dọc bờ sông Seine. Ảnh: comme des Francais.

Các quầy hàng màu xanh đậm là kho tàng văn học niên đại hàng thế kỷ, đã trở thành biểu tượng cho hai thú tiêu khiển người Paris yêu thích: “flâner” - dạo bộ không chủ đích và đọc sách. Chủ các quầy hàng là các triết gia thờ ơ với tiền bạc, những người chuyên săn tìm sách quý và các nhà truyền bá văn chương. Họ là thế lực mạnh ở đất nước nơi nhiều chính trị gia nỗ lực để được xuất bản sách như một bằng chứng cho khí phách trí tuệ của mình.

Trong nhiều thế kỷ, các hiệu sách bằng gỗ đã luôn có mặt ở trung tâm Paris. Vì vậy tháng 7/2023 khi cảnh sát thành phố viện lý do quan ngại về an ninh để ra lệnh đóng cửa các hiệu sách này trong Thế vận hội Olympic mùa hè 2024, dư luận đã phản ứng quyết liệt.

Các chủ tiệm sách nhờ đến luật sư và gửi kiến nghị. Trong nhiều tháng ròng họ gặp gỡ đại diện cảnh sát và Tòa Thị chính, không chấp nhận thỏa hiệp nào: Họ nói rằng di dời những hộp sách trăm tuổi sẽ gây tổn thất nặng nề.

 Nhiều bản sách quý hiếm có mặt dọc bờ sông Seine. Ảnh: Linh Bo/Pexels.

Nhiều bản sách quý hiếm có mặt dọc bờ sông Seine. Ảnh: Linh Bo/Pexels.

Trong các tiệm sách này không thiếu những cuốn sách quý bọc da tuổi đời 200 năm, quý hiếm nên được bọc gói cẩn thận trong màng cellophane trước khi cho vào các hộp sách. Nhiều trí thức cũng đồng loạt lên tiếng bảo vệ các chủ tiệm.

Theo The New York Times, nhà văn người Pháp Alexandre Jardin - một người ký tên vào kiến nghị ủng hộ các chủ tiệm khẳng định: “Xem các tiệm sách đơn thuần là nơi bán sách thì quả là không hiểu gì cả. Chúng cất tiếng cho bản sắc của Paris và mối liên hệ sâu sắc của thành phố với văn học. Paris là thành phố ra đời từ giấc mơ của các nhà văn”.

Di sản sống của thủ đô cần được ở lại

Tổng thống Pháp Macron đã can thiệp và ngày 13/2 vừa qua, ra quyết định rằng những tiệm sách cần được ở lại, nhấn mạnh rằng đây là “di sản sống của thủ đô”.

Quyết định này hiển nhiên mang lại sự nhẹ nhõm cho không chỉ các chủ quầy sách bán sách, mà cả những trí thức Paris yêu văn hóa - một số người đã ký vào kiến nghị bày tỏ quan điểm bảo vệ những người bán sách trên tờ Le Monde vào tháng 8 năm ngoái. Kiến nghị này mở đầu bằng trích dẫn văn hào Pháp Albert Camus: “Mọi thứ làm suy thoái văn hóa đều rút ngắn con đường dẫn đến nô lệ”.

Alexandre Jardin nói rằng loại bỏ biểu tượng của Paris khỏi trái tim và tâm hồn của đất nước ngay khi Pháp chào đón cả thế giới đến với Thế vận hội Olympic là vô lý đến mức rõ ràng quyết định này xuất phát từ bọn quan liêu - “kẻ thù của thi ca”.

Jérôme Callais, chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Bouquinistes và bản thân là một người bán sách khẳng định "Không thành phố nào khác có thể ngụy tạo ra điều tương tự”. Ông Callais cho biết giờ đây các chủ tiệm đang lên kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng - nhưng phải đến mùa thu, sau khi Thế vận hội Olympic kết thúc.

Ngay cả khi giành chiến thắng, nhiều chủ tiệm vẫn lưỡng lự sâu sắc về việc mở gian hàng của mình trong Thế vận hội hay không. Hình ảnh tàu điện ngầm đông đúc và nhà hàng ùn tắc khiến nhiều người dân Paris bày tỏ ý định chạy trốn khỏi thành phố.

Ông Callais bình luận rằng cuộc đấu tranh đã để lại dư vị khó chịu trong ông, nhưng thông báo của tổng thống đã làm tâm trạng ông nhẹ nhõm hơn. “Có thể tôi sẽ ở đó. Xem chuyện rồi sẽ ra sao”.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tiem-sach-ben-song-seine-paris-khong-phai-roi-di-vi-the-van-hoi-post1461205.html