Tiềm tàng rủi ro cho an ninh Châu Á từ chuyển giao chính trị ở Pháp
Sự trỗi dậy của phe hoài nghi NATO tại Pháp đặt ra mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Kết quả bầu cử của Pháp vào ngày 7/7 có thể đem đến những tác động tiềm tàng đối với các đối tác NATO khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo bình luận của Nikkei.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội, Mặt trận Nhân dân Mới (NFP), một liên minh gồm các đảng cánh tả, bất ngờ thể hiện sức mạnh đáng kể, nổi lên thành lực lượng lớn nhất ở Hạ viện. Trong khi đó, Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu, do bà Marine Le Pen lãnh đạo, đảng mà các cuộc thăm dò dư luận dự đoán sẽ dẫn đầu, ở vị trí thứ ba.
Để ngăn chặn sự trỗi dậy của một nội các cực hữu, Tổng thống Emmanuel Macron, người đã đánh một canh bạc khi cách kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử sớm, đã ngăn chặn được một thất bại hoàn toàn, nhưng cũng không có được một chiến thắng rõ ràng. Liên minh trung dung của ông Macron mất hơn 30% số ghế, đứng ở vị trí thứ hai. Trong khi đó, RN đã tăng đáng kể số ghế lên khoảng 60%.
Tác động ngay lập tức nhất sẽ là sự suy yếu trong vai trò lãnh đạo của Pháp, vốn đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh Châu Âu.
Tại Pháp, tổng thống nắm quyền chính trong các vấn đề đối ngoại và quốc phòng, trong khi việc phê duyệt ngân sách thuộc về Quốc hội. Do đó, các sáng kiến chính sách của ông Macron có thể vấp phải những hạn chế đáng kể từ Nghị viện. Hơn nữa, những khác biệt đáng kể có thể nảy sinh giữa ông Macron và nội các, đặc biệt là về chính sách đối ngoại, chẳng hạn như các cam kết và lập trường của NATO đối với Ukraine.
Theo các chuyên gia an ninh Pháp, liên minh cánh tả, hiện là lực lượng chính trị thống trị ở Hạ viện, bao gồm các đảng có lịch sử hoài nghi về NATO. Trong số đó có phe cánh tả cực đoan La France Insoumise (France Unbowed). Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, người sáng lập thẳng thắn của tổ chức này, Jean-Luc Melenchon, đã gọi NATO là "vô dụng" và ủng hộ việc Pháp rút khỏi liên minh.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, điều đặc biệt đáng lo ngại là sự thay đổi địa chấn trong bối cảnh chính trị Pháp có thể ảnh hưởng như thế nào đến sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine. Chính quyền ông Macron luôn ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine. Đầu tháng 6, Pháp tiết lộ kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 cho Ukraine và được cho là đang dự tính cử các huấn luyện viên quân sự tới hỗ trợ nước này.
Cả liên minh cánh tả và RN đều ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng phản đối việc gửi nhân sự. Theo truyền thống, RN đã áp dụng lập trường hòa giải đối với Nga. Theo báo chí Pháp, RN trước đây đã vay quỹ bầu cử từ một ngân hàng Nga có liên hệ chặt chẽ với Điện Kremlin, mặc dù số tiền này được cho là đã được hoàn trả.
Là một cường quốc hạt nhân và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Pháp đóng vai trò là trụ cột quan trọng trong NATO.
Nếu khả năng lãnh đạo châu Âu của Pháp suy giảm, điều đó có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động của NATO.
Đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đây không chỉ là mối lo ngại xa vời. Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, các quốc gia Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc đã liên kết với NATO để thực hiện các biện pháp nhằm đối lại Trung Quốc và Nga.
Các quốc gia này đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO với tư cách là các nước đối tác và nhất trí cùng hợp tác trong việc chống lại nạn tấn công mạng và thông tin sai lệch, đồng thời mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng.
Hơn nữa, nếu sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine sụt giảm, điều đó có thể gây ra hậu quả cho an ninh châu Á.