Tiêm vắc-xin cho trẻ: TP HCM chờ Bộ Y tế hướng dẫn
Người dân tự xét nghiệm có kết quả dương tính thì cần báo ngay cho y tế địa phương l Dừng kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 đối với người dân qua lại các chốt kiểm soát
Chiều 21-10, tại cuộc họp định kỳ về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết về cơ bản, thành phố đã bao phủ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 1 với tỉ lệ 99%, mũi 2 là 76,8%. TP HCM vẫn đang cố gắng tiếp tục phủ vắc-xin cho số người còn lại.
Chờ Bộ Y tế hướng dẫn
Trả lời về việc có tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi hay không, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng khẳng định Sở Y tế TP HCM sẽ triển khai ngay khi Bộ Y tế ban hành bộ hướng dẫn.
"Ngày 14-10, Bộ Y tế đã có Văn bản 8688 về việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, trong đó chỉ đạo các vấn đề liên quan để các sở y tế tham mưu cho lãnh đạo các địa phương nhằm tổ chức tiêm ngừa. Ngay sau đó, Sở Y tế TP HCM đã gửi tờ trình lên UBND thành phố về kế hoạch dự kiến tiêm ngừa cho trẻ. Để có tờ trình này, sở đã căn cứ vào điều kiện y tế, kết hợp với các đơn vị liên quan để thống kê số lượng trẻ từ 12-17 tuổi và số lượng trẻ trong độ tuổi này đang đến trường trên địa bàn thành phố" - bác sĩ Hưng cho hay.
Theo ông Hưng, qua thống kê, TP HCM có khoảng 780.000 trẻ từ 12-17 tuổi. Thành phố sẽ tiêm ngừa cho tất cả các cháu. Do đó, Sở Y tế đã phối hợp với cơ sở y tế địa phương lập các phương án, bao gồm công tác chuyên môn để bảo đảm an toàn khi tiêm.
Với những người đã tiêm vắc-xin mũi 1, đến hạn tiêm mũi 2 nhưng vì lý do nào đó chưa được tiêm, hãy đăng ký với địa phương nơi mình ở để được tiêm. Trường hợp người dân không có giấy chứng minh đã tiêm mũi 1 thì có thể làm cam kết để tiêm mũi 2 chứ không nên ngừng lại.
Cùng với đó, trong thời gian giãn cách, có một số người về các địa phương. Sau khi TP HCM nới lỏng giãn cách, nhiều người có nhu cầu quay lại làm việc và thành phố cũng sẽ tạo điều kiện cho họ tiêm vắc-xin.
"Trường hợp người dân đã tiêm mũi 1 ở tỉnh - thành khác, TP HCM cũng sẽ tiêm mũi 2. Vì vậy, khi trở lại TP HCM, người dân nên liên lạc với chính quyền địa phương để được tiêm. Sở Y tế cũng đang phối hợp với UBND các địa phương cửa ngõ để tiêm vắc-xin cho người dân muốn trở lại TP HCM, không chờ người vào đến nơi mới tiêm" - bác sĩ Hưng nói thêm và cho hay đối với các doanh nghiệp, khi người lao động về TP HCM làm việc mà chưa tiêm vắc-xin, lãnh đạo doanh nghiệp phải lập danh sách để họ được tiêm.
Đẩy nhanh tiêm ngừa lưu động
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng khẳng định trừ huyện Bình Chánh, tất cả quận - huyện còn lại và TP Thủ Đức đang đẩy nhanh tiêm ngừa bằng xe tiêm vắc-xin lưu động. "Do một số nguyên nhân, chậm nhất là ngày 22-10 sẽ có 1-2 xe tiêm lưu động đến Bình Chánh để tiêm vắc-xin đầy đủ cho bà con" - bác sĩ Hưng nói.
Về việc xử lý ca F0 trong cộng đồng, bác sĩ Hưng cho biết nếu phát hiện ca nhiễm trong khu dân cư thì người dân cũng không còn bị phong tỏa như trước. Trước đây, khi phát hiện ca F0, ngành y tế xử lý trên tinh thần triệt để "zero Covid" - tất cả sẽ được cách ly điều trị, các F1 tiếp xúc gần được cách ly tập trung. Các khu vực phát hiện F0 phải phong tỏa ở mức độ rộng, đã ảnh hưởng lớn đến việc sinh hoạt của người dân. Trong tình hình mới, F0 được phát hiện từ sàng lọc, tầm soát… được cập nhật lên hệ thống. Người dân tự xét nghiệm có kết quả dương tính thì cần báo ngay cho y tế địa phương.
Bên cạnh đó, trạm y tế lập danh sách F1 tiếp xúc gần để theo dõi, xét nghiệm định kỳ, cách ly. Nếu trong khu vực chỉ có 1 hộ có 1 ca F0 thì đây là ổ dịch hộ gia đình. Nếu đủ điều kiện, F0 có thể cách ly tại nhà. Khi SpO2 dưới 96% hoặc có triệu chứng nặng, trạm y tế sẽ điều tổ phản ứng nhanh để xử trí cấp cứu cho người bệnh. Tuy nhiên, người dân phải hạn chế tiếp xúc và ra ngoài nếu không cần thiết. Về trường hợp tại các doanh nghiệp, khi phát hiện ca dương tính, F0 phải được tách khỏi khu vực sản xuất, không ảnh hưởng đến hoạt động chung.
TP HCM đang tính toán phương án xây dựng khu cách ly riêng trong phạm vi của các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn dựa trên hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, tương đương với khu cách ly của quận - huyện, tách biệt với khu vực sản xuất, có thể giảm tải cho các bệnh viện thu dung điều trị F0.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, cho biết đến 18 giờ ngày 20-10, thành phố có tổng cộng 421.491 ca Covid-19 được Bộ Y tế công bố.
Duy trì chốt kiểm soát cửa ngõ
Cùng ngày, đại diện Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM cho biết từ nay đến hết ngày 30-11-2021, lực lượng CSGT sẽ duy trì 12 chốt kiểm soát cửa ngõ và 39 chốt tại các khu vực giáp ranh thành phố 24/24 giờ. Tại các chốt này, lực lượng chức năng thực hiện quản lý dân vùng có dịch, di - biến động của người ra vào và quản lý tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên nền tảng dữ liệu dân cư.
Như vậy, lực lượng tại chốt kiểm soát sẽ dừng kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 đối với người dân qua lại các chốt này. Thay vào đó, người dân phải khai báo y tế và di chuyển trên ứng dụng VNEID và thông tin về tiêm chủng. Theo đại diện Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, việc dừng kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 tại các chốt kiểm soát nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại.
Trước đó, Bộ Y tế có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128 của Thủ tướng, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp như có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3 (nguy cơ cao - màu cam); đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 (nguy cơ rất cao - màu đỏ) hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn. Các trường hợp khác phải xét nghiệm là nhóm có nguy cơ, người xuất hiện các triệu chứng: sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... Người đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ hoặc nghi ngờ.
Số ca tử vong do Covid-19 tiếp tục giảm
Bộ Y tế cho biết ngày 21-10, nước ta ghi nhận 3.636 ca Covid-19, gồm 18 ca nhập cảnh và 3.618 ca ghi nhận trong nước (giảm 17 ca so với hôm trước) tại 50 tỉnh, thành phố; trong đó có 1.649 ca ngoài cộng đồng. TP HCM, Đắk Lắk, Gia Lai là các địa phương có số ca mắc mới giảm so với ngày trước đó. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 877.537 ca mắc, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong ngày, có 1.541 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 798.124. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.041. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.487. Những ngày qua, số ca tử vong do Covid-19 giảm mạnh ở TP HCM, Bình Dương và một số địa phương khác.
Đến nay, nước ta tiêm chủng được hơn 68,8 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, trong đó gần 19,5 triệu người đã tiêm đủ 2 liều.