Tiêm vắc-xin để loại trừ bệnh dại
Phòng bệnh bằng vắc-xin cho người và động vật là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa tử vong do bệnh dại ở người. Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28-9) năm 2019 với chủ đề 'Bệnh dại: Tiêm phòng vắc-xin để loại trừ' nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về căn bệnh này.
Tiêm phòng dại cho vật nuôi tại Trạm thú y TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).
Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Ðặng Quang Tấn cho biết: Dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi-rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó, mèo. Người nhiễm vi-rút dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì tỷ lệ tử vong lên đến 100%. Trong khi đó, những ca này hoàn toàn có thể phòng, tránh được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc-xin kịp thời, đúng, đầy đủ.
Tại nước ta, kết quả giám sát bệnh dại của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế) cho thấy: 25 năm qua, năm nào cũng có người chết do bệnh dại, số người chết do bệnh dại hằng năm luôn ở mức cao nhất so với số ca bị chết của các bệnh truyền nhiễm gây dịch. Bệnh dại gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm hơn 40%), hầu hết các trường hợp chết do bệnh dại đều không tiêm vắc-xin, trong đó 98% số ca mắc bệnh này là do bị chó nhà cắn hoặc do tiếp xúc như chăm sóc chó ốm, mổ chó. Số còn lại là do mèo dại cắn. Cho đến nay chưa phát hiện trường hợp nào chết do động vật hoang dã gây nên. Số ca bị chết do bệnh dại trong từ năm 2016 trở lại đây đã giảm so với trung bình giai đoạn 2011 - 2015 (95 ca/năm); tuy nhiên tỷ lệ giảm chưa bền vững và ổn định.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 193/QÐ- TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021. Chương trình đã nêu các mục tiêu cụ thể như: tỷ lệ chó nuôi được tiêm phòng vắc-xin dại tại các xã, phường, thị trấn đạt hơn 80%; hơn 70% số tỉnh, thành phố không có ca bệnh dại trên chó hai năm liên tiếp; giảm 60% số tỉnh, thành phố có nguy cơ cao về bệnh dại trên người; giảm 60% số người chết do bệnh dại vào năm 2021 so với số ca mắc bệnh dại trung bình giai đoạn 2011 - 2015…
Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ UBND các tỉnh, thành phố tập trung tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật, các chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh dại; các quy định về nuôi chó; trách nhiệm của người nuôi và quản lý chó; hướng dẫn người bị chó cắn xử lý y tế ban đầu và đến các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.
Thực hiện giám sát chủ động bệnh dại trên đàn chó, trên động vật hoang dã nhằm đánh giá lưu hành của vi- rút dại; hằng năm lập bản đồ phân bố đàn chó, bản đồ dịch tễ bệnh dại trên người và động vật để xác định khu vực có nguy cơ cao mắc bệnh dại, ưu tiên tập trung các nguồn lực trong công tác phòng, chống bệnh dại… Nhờ đó, năm 2018, cả nước đã ghi nhận hơn 521 nghìn người bị phơi nhiễm phải đi tiêm vắc-xin phòng dại. Trong số này không có trường hợp nào chết do bệnh dại; số người đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trong năm 2018 tăng 4% so với năm 2017; hơn 95% các trường hợp đi tiêm phòng trong khoảng 10 ngày sau khi bị động vật cắn; giảm ba tỉnh, thành phố có bệnh dại lưu hành. Từ đầu năm đến giữa tháng 9-2019, cả nước có 54 người chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (64 trường hợp)…
Hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh dại và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức mít-tinh với chủ đề "Bệnh dại: Tiêm phòng vắc-xin để loại trừ". Ðây là dịp để tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân trên cả nước nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, nhất là tăng số điểm tiêm vắc-xin và tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế; nâng cao tỷ lệ tiêm vắc-xin dại cho đàn chó.
Thời gian tới, các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tăng cường giám sát phát hiện bệnh dại với sự hỗ trợ của cộng đồng dân cư; nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm cho các phòng xét nghiệm trên người cũng như trên động vật để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống bệnh dại. Tổ chức tập kỹ năng điều tra, giám sát, chẩn đoán xác định bệnh dại; phân tích tình hình dịch tễ, xác định vùng, nhóm người có nguy cơ lây truyền bệnh dại; tiêm phòng vắc-xin dại cho chó và cho người có nguy cơ cao, xử trí vết cắn và điều trị dự phòng dại cho người bị chó cắn, xử lý ổ dịch bệnh dại kịp thời và hiệu quả…