Tiêm vắc xin sẽ vượt qua đại dịch

Nếu bệnh truyền nhiễm là mối đe dọa sức khỏe, tính mạng của con người, thì vắc xin ngừa bệnh là một trong những đột phá về y tế mang lại sự thành công trong chăm sóc sức khỏe con người.

Tiêm vắc xin sẽ vượt qua đại dịc

 Tiêm vắc xin ngừa bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Tiêm vắc xin ngừa bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

1. Khoa học và thực tế đã minh chứng tiêm vắc xin có thể ngăn ngừa một số bệnh truyền nhiễm, hoặc loại trừ. Chẳng hạn trước đây, khi chưa có vắc xin bệnh đậu mùa, bệnh này diễn ra khắp nơi trên thế giới, được xem như bệnh nan y, cướp đi tính mạng biết bao nhiêu người. Nhờ chế tạo vắc xin, bệnh đậu mùa đã được loại trừ. Với bệnh dại, nếu như không có vắc xin phòng bệnh dại khi bị chó cắn hoặc bấu, thì sẽ trở thành dịch bệnh. Đặc biệt là bệnh bại liệt, trong những năm của thập niên 1950, Việt Nam ghi nhận hàng chục ngàn ca mắc, hàng trăm ca tử vong do bệnh bại liệt. Trường hợp sốt bại liệt để lại khuyết tật hoặc tử vong rất nhiều. Đến năm 1962, Việt Nam sản xuất thành công vắc xin bại liệt, vắc xin này được đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, mang lại kết quả thành công loại trừ bệnh bại liệt. Hay nói cách khác, việc tiêm vắc xin chứng minh thành công trong việc kiểm soát bệnh và loại trừ một số bệnh trong cộng đồng.

Như vậy, thành tựu của vắc xin mang lại sức khỏe cho con người quá rõ ràng và quá lớn. Bên cạnh đó, những hội, nhóm chống vắc xin (anti vắc xin) trên trang mạng xã hội lại có những lập luận sai trái theo kiểu “thuận theo tự nhiên” chống lại vắc xin. Theo bác sĩ Đinh Thế Hùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trên thế giới có không ít hội, nhóm chống tiêm vắc xin hoạt động trên mạng xã hội. Những hội, nhóm này có ở Bình Thuận hay không thì chưa được kiểm tra, phát hiện. Tuy nhiên, tâm lý bài xích vắc xin trong cộng đồng cũng có, dẫu không nhiều. “Vắc xin là một trong những tiến bộ của thế giới”, bác sĩ Đinh Thế Hùng khẳng định.

2. Nhìn lại câu chuyện biến cố mang tên đại dịch Covid-19 xảy ra, làm cho quá nhiều người tử vong. Trong khi đó, vắc xin chưa được chế tạo, cả thế giới căng mình dành tất cả nguồn lực để chống dịch Covid-19. Tại Việt Nam, toàn Đảng và toàn dân đồng lòng thực hiện những giải pháp kịp thời như: truy vết, xét nghiệm, cách ly, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách… Với những cách làm ấy, Việt Nam đã khống chế tốt dịch bệnh, mang lại kết quả đáng tự hào. Trong đó, Bình Thuận cũng đã trải qua hơn 1 năm không ghi nhận ca nhiễm nào trong cộng đồng.

Mặc dù diễn biến dịch bệnh tại các quốc gia khác nhau về mức độ lây nhiễm và phạm vi lây lan, nhưng dịch này tác động lên mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của con người. Đến cuối năm 2020, các nhà nghiên cứu chế tạo thành công vắc xin Covid-19, được phê chuẩn sử dụng ở các quốc gia. Đó là tin tốt lành, mang lại niềm hy vọng sớm kết thúc đại dịch này. Các quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới cũng đẩy mạnh triển khai sớm vắc xin cho người dân, với mong muốn giúp con người chống lại đại dịch. Tiêm vắc xin Covid-19 là một điều hết sức cần thiết cho mọi người. Một khi lượng vắc xin được tiêm cho cộng đồng ở mức cao thì sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng. Mọi người sẽ vượt qua đại dịch này để đi vào phát triển kinh tế - xã hội.

Trang Minh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/tiem-vac-xin-se-vuot-qua-dai-dich-135890.html