Tiêm vaccine chặn dịch tả lợn châu Phi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), mặc dù đã có vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi, nhưng các địa phương và người chăn nuôi vẫn chưa vào cuộc rốt ráo để tiêm phòng cho đàn lợn.

Tiêm vaccine cho lợn tại xã Huy Tân, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Chu Khôi.

Tiêm vaccine cho lợn tại xã Huy Tân, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Chu Khôi.

Bùng phát mạnh

Thống kê của Bộ NNPTNT, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục gia tăng mạnh từ tháng 5 đến nay. Số lợn phải tiêu hủy do mắc bệnh từ đầu năm tính đến ngày 17/7 là hơn 47.000 con tại 45 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm ngoái, số lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi hiện cao gấp gần 4 lần, số ổ dịch cũng tăng cao gấp gần 3 lần. Hiện cả nước có 346 ổ dịch thuộc 89 huyện của 25 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, nguyên nhân chính khiến dịch tả lợn năm nay bùng phát mạnh là do vẫn còn tình trạng địa phương chậm công bố dịch, dẫn đến chậm tổ chức chống dịch theo đúng quy định. Bên cạnh đó, một bộ phận người chăn nuôi vẫn còn tâm lý giấu dịch.

Một nguyên nhân nữa là tỷ lệ tiêm phòng vaccine tả lợn châu Phi hiện ở mức rất thấp, chỉ mới đạt 10 - 20% trên tổng đàn lợn thịt, chưa đủ khả năng tạo miễn dịch. Trong khi đó, thực tế 100% ổ dịch phát sinh đều trên đàn lợn chưa được tiêm phòng, còn những đàn lợn đã tiêm phòng vaccine thì chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh. Hiệu quả tiêm vaccine thấy rõ ở Cao Bằng, địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm đại trà vaccine phòng tả lợn châu Phi. “Từ khi vaccine tả lợn châu Phi chính thức được Bộ NNPTNT khuyến nghị sử dụng rộng rãi, đến nay mới chỉ có tỉnh Cao Bằng triển khai mua vaccine cấp phát đại trà cho các hộ chăn nuôi” - ông Long nói và cho biết, nhiều địa phương chưa công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định, cụ thể tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình… Cùng với đó tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người mua lợn và phương tiện vận chuyển lợn khiến dịch bệnh lây lan diện rộng, công tác quản lý giết mổ, vận chuyển lợn trong vùng dịch chưa thực hiện theo quy định; Dịch bệnh xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học.

Ông Đỗ Xuân Việt - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn cho biết, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có khoảng 98/108 xã bị dịch tả lợn châu Phi với số lợn phải tiêu hủy lên đến khoảng gần 16.000 con. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, là do tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát vẫn còn phổ biến, người chăn nuôi chưa quan tâm nhiều đến biện pháp chăn nuôi an toàn, chăn nuôi sinh học. Cũng theo ông Việt, trước diễn biến dịch bệnh tỉnh đã có những chỉ đạo các huyện, xã. Tuy nhiên nhiều nơi vẫn còn lơ là chủ quan đối với công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Tiêm vaccine - giải pháp hữu hiệu ngăn chặn dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, ngày 16/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 58 về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tiếp đó ngày 14/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 21 về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bộ NNPTNT cũng đã liên tục có những cảnh báo và yêu cầu để kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, trong tháng 6 và đầu tháng 7, Bộ NNPTNT ban hành liên tiếp các văn bản gửi các địa phương: Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Thông tin về tình hình dịch bệnh và tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi của tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Ngọc Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh cho biết, tỷ lệ lợn tiêm vaccine tại địa phương rất thấp. Ước tính người dân toàn tỉnh mới chỉ tiêm khoảng 20 nghìn liều vaccine trên tổng đàn khoảng 700 nghìn con.

Nêu nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm vaccine thấp, ông Toàn cho rằng, vấn đề kinh phí là khá khó khăn, nhất là với các tỉnh miền núi như Sơn La. Bên cạnh đó, theo quyết định số 972 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020 - 2025", được ban hành ngày 7/7/2020 thì thời điểm đó Việt Nam chưa sản xuất được vaccine dịch tả lợn châu Phi, nên trong chương trình không đề cập đến việc tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi. Trong danh mục các bệnh vật nuôi bắt buộc phải tiêm phòng vaccine (được ban hành đã nhiều năm) cũng không có dịch tả lợn châu Phi. Do đó, ông Toàn kiến nghị bổ sung quy định, đưa dịch tả lợn châu Phi vào danh mục các bệnh bắt buộc phải tiêm vaccine.

Bộ NNPTNT cho biết, Bộ đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh đề nghị tập trung mọi nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp để kiểm soát, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, nhấn mạnh đến giải pháp thúc đẩy tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi cho lợn. Những đàn lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi, tỷ lệ chết có thể lên đến 100%. Virus dịch tả lợn châu Phi có thể tồn tại lâu dài trong môi trường và các sản phẩm thịt lợn. Do đó việc tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi cần phải thực hiện cấp bách hơn bao giờ hết.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tiem-vaccine-chan-dich-ta-lon-chau-phi-10286010.html