Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Những lưu ý khi chăm sóc trước và sau tiêm cho trẻ
Bắt đầu từ ngày 18/4, các tỉnh, thành phố trên cả nước bước vào tuần lễ triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Việc chăm sóc trước và sau tiêm cho trẻ là vấn đề rất được nhiều phụ huynh quan tâm.
Các địa phương tiếp tục triển khai tiêm chủng
Ngày 18/4, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang Lê Tiến Cương cho biết, Trung tâm vừa tiếp nhận 18.600 liều vaccine Moderna tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi. Hôm nay (19/4), tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh sẽ tiến hành tiêm chủng cho trẻ. Trong đợt này, số vaccine được phân bổ đợt này dành để tiêm mũi 1 cho trẻ em 11 tuổi (lớp 6) với liều 0,25ml/trẻ. Trẻ đã mắc COVID-19 chỉ tiêm vaccine phòng COVID-19 sau 3 tháng kể từ ngày phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Nếu còn dư vaccine sau khi đã tiêm hết cho trẻ em 11 tuổi (lớp 6), các đơn vị chủ động sử dụng số vaccine còn lại tiêm cho trẻ em 10 tuổi (lớp 5). Thời gian hoàn thành tiêm đợt này xong trước ngày 29/4. Tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu hơn 95% trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn đủ điều kiện được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Tại Tuyên Quang, tỉnh này triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, sử dụng 2 loại vaccine Pfizer và Moderna theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Tuyên Quang đặt mục tiêu trên 90% học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19. Trong đợt này, tỉnh sẽ tổ chức tiêm cho gần 112 nghìn trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III/2022. Việc tiêm chủng được thực hiện tại các điểm tiêm lưu động, trường học và trạm y tế, bệnh viện; ưu tiên cho trẻ từ lứa tuổi cao đến thấp.
Theo kế hoạch của Sở Y tế Thái Bình, đợt này tỉnh sẽ sử dụng 13.700 liều vaccine Moderna để tiêm mũi 1 cho trẻ đủ 11 đến 12 tuổi; đối với trẻ có bệnh lý nền chỉ định tiêm tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thành phố. Hiện, toàn tỉnh Thái Bình có khoảng 200 nghìn trẻ em từ 6 tuổi đến 12 tuổi trong diện tiêm vaccine phòng COVID-19. Tùy theo số lượng vaccine được Bộ Y tế phân bổ, Thái Bình sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm cho lứa tuổi này. Với 13.700 liều vaccine tiếp nhận, Sở Y tế phân bổ đều cho 8 huyện, thành phố, mỗi địa phương khoảng 1.700 liều. Do số lượng vaccine ít nên tỉnh ưu tiên tập trung tiêm cho trẻ 11 tuổi (lớp 6), các nhóm tuổi còn lại sẽ tổ chức tiêm trong các đợt sau.
Đến ngày 30/4 sẽ có hơn 194.000 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ở Kiên Giang sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1. Hiện trên toàn tỉnh có khoảng 216.000 trẻ em ở độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Thời gian tiêm vaccine cho trẻ em bắt đầu từ ngày 20/4 đến ngày 6/7, chia làm hai đợt. Đợt 1: Tiêm mũi 1 cho hơn 194.000 trẻ trước ngày 30/4, sau đó, từ ngày 18/5 đến ngày 28/5 sẽ tiến hành tiêm mũi 2 cho nhóm trẻ này. Đợt 2: Dự kiến tiêm từ ngày 29/5 đến ngày 6/7, đợt này có hơn 21.700 trẻ.
UBND tỉnh Lai Châu cũng vừa ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tỉnh Lai Châu cho biết, tổng số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn hiện là 83.850 trẻ. Tỉnh phấn đấu đạt trên 95% trẻ trong độ tuổi này đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19. Tỉnh cũng thực hiện theo nguyên tắc 100% các điểm tiêm chủng thực hiện đảm bảo an toàn…
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, việc duy trì, tăng cường công tác tiêm chủng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trong tình hình dịch COVID-19. Việc này cũng góp phần giảm mắc bệnh cho trẻ em và giảm lây truyền giữa các thế hệ trong gia đình và các giáo viên, học sinh tại trường học. Đặc biệt, tiêm cho trẻ em cũng giúp thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Chăm sóc trước và sau tiêm cho trẻ
Mặc dù nhận thức được việc tiêm vaccine cho trẻ trong độ tuổi từ 5 - dưới 12 tuổi là cần thiết, nhưng cũng rất nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng về những phản ứng sau tiêm đối với trẻ. Đối với vấn đề này, nhiều chuyên gia y tế, bác sĩ đã có lời khuyên và những lưu ý cho phụ huynh chăm sóc cho trẻ trước và sau tiêm.
Theo đó, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết, sau khi tiêm vaccine COVID-19, trẻ có thể có những phản ứng thường gặp như đau, sưng, đỏ tại vị trí tiêm; toàn thân có thể xuất hiện mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, buồn nôn hoặc nôn, sưng hoặc đau ở nách, sốt, đau khớp; sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ ở cổ, ở trên xương đòn)... Trước, trong và sau khi tiêm, phụ huynh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế về cách theo dõi, phát hiện và xử trí sau tiêm, ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi và tiếp tục theo dõi tại nhà tới 28 ngày sau tiêm.
Luôn bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Hạn chế gửi nhà trẻ vì một vài cô giáo không thể theo dõi hết được cho tất cả các trẻ. Trong trường hợp cần phải gửi trẻ thì phải dặn cô giáo lưu ý những triệu chứng nặng cần đưa bé đi bệnh viện càng sớm càng tốt.
Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau…
Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó Trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, ngày đi tiêm trẻ cần ăn nhẹ, không nhịn đói, nhưng cũng không ép trẻ ăn quá no. Thời tiết đang dần nắng nóng, nhất là miền Nam, trẻ dễ bị đổ mồ hôi, mau mệt trong khi chờ đến lượt tiêm, nên uống nước bổ sung. Trẻ có thể uống viên sủi hoặc siro chứa các loại vitamin đang thường sử dụng vào buổi sáng trước khi đến điểm tiêm.
Phụ huynh lưu ý không cho trẻ uống chất dễ kích thích như nước ngọt, trà sữa, cà phê, nước tăng lực... vào ngày tiêm vaccine. Đồng thời, không được tự ý ngừng các loại thuốc uống điều trị bệnh mãn tính mà trẻ đang uống theo toa bác sĩ.
Sau tiêm, cha mẹ, người lớn trong gia đình và nhà trường cần dặn trẻ nếu có bất kỳ dấu hiệu khó chịu như đau ngực, khó thở, hụt hơi, tim đập nhanh, đánh trống ngực... phải báo ngay. Ngoài 30 phút theo dõi bắt buộc sau tiêm tại điểm tiêm chủng, trẻ cần được người lớn theo dõi và phát hiện kịp thời những bất thường trong ít nhất ba ngày tiếp theo.
Trẻ nên ăn uống ở nhà để đề phòng tình trạng ngộ độc thức ăn bên ngoài, không tập thể dục hay vận động thể lực nặng. Trẻ phải được ngủ đủ giấc và uống nhiều nước. Các em không cần kiêng tắm rửa hay thức ăn gì, trừ những thực phẩm mà đã làm trẻ dị ứng trước đây, hạn chế uống những chất kích thích như cà phê, nước ngọt, trà sữa, nước tăng lực...