Tiêm vaccine vẫn là cách phòng chống bệnh sởi tốt nhất
Bộ Y tế vừa có công văn chỉ đạo về tăng cường công tác khám, phân loại, điều trị bệnh sởi nhằm chống quá tải, giảm lây nhiễm chéo và giảm tử vong.
Tỉ lệ khám chữa bệnh gia tăng, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối gây nên tình trạng quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh dịch trong bệnh viện. Ảnh minh họa.
Hiện, bệnh dịch sởi có số mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 và xu hướng tiếp tục tăng.
Do vậy, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành, Giám đốc bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và y tế các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong cơ sở khám chữa bệnh; thực hiện hiệu quả công tác khám chữa bệnh và điều trị.
Với công tác khám bệnh phải tổ chức phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, nghi sởi với các bệnh khác.
Cho nhập viện điều trị nội trú những ca bệnh sởi nặng theo đúng hướng dẫn, đúng tuyến điều trị để tránh quá tải và giảm lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Tổ chức tư vấn, hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc ca bệnh nhẹ tại nhà để giảm chi phí điều trị cho gia đình và xã hội, tránh được lây nhiễm chéo và quá tải bệnh viện.
Về điều trị, Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị chuẩn bị đủ thuốc, trang thiết bị, nguồn nhân lực; bố trí khu vực riêng biệt cho bệnh nhân sởi và nghi ngờ mắc sởi tại khoa truyền nhiễm, khoa nhi hoặc các khu vực cách ly của các khoa lâm sàng trước khi có chẩn đoán xác định bệnh sởi.
Những ca bệnh sởi nặng phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu vẫn phải đảm bảo cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ số lượng và mức độ bệnh để tăng cường nhân lực, khu vực điều trị nội trú nhằm giảm quá tải cho nhân viên y tế làm công tác điều trị bệnh dịch và hạn chế việc người bệnh truyền nhiễm phải nằm ghép.
Tổ chức tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi đã được Bộ Y tế ban hành cho các nhân viên tham gia khám, điều trị bệnh sởi, đặc biệt đối với các nhân viên y tế được tăng cường.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo công tác thường trực các đội cấp cứu cơ động, hỗ trợ tuyến dưới.
Khuyến cáo người bệnh, người nhà người bệnh sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân và vệ sinh phù hợp, hạn chế tiếp xúc; tăng cường công tác vệ sinh tay trong bệnh viện; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong phòng bệnh, khu vực khám bệnh, cấp cứu hồi sức tích cực và các khu vực khác trong bệnh viện.
Bố trí khu điều trị cách ly điều trị bệnh sởi theo quy định; Thực hiện điều trị theo đúng phác đồ, theo dõi sát bệnh nhân, tuân thủ quy trình khám sàng lọc bệnh nhân, nhận bệnh nhân vào điều trị.
Theo Viện Pasteur, chủng sởi trên toàn cầu hiện nay và tại Việt Nam vẫn là D8 và B3.
Sự bùng phát mạnh mẽ của năm nay chính là sự giao thương và cốt yếu là vấn đề không tiêm phòng đã tạo ra vùng lõm miễn dịch để lan sởi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, độ tuổi mắc sởi tại Việt Nam chủ yếu xảy ra ở trẻ từ 1 - 4 tuổi và hầu hết đều chưa tiêm vaccine hoặc chưa rõ.