Tiệm vàng ở TP.HCM dùng đủ chiêu trò né kiểm tra
Một số tiệm vàng tại TP.HCM đang có cách bán hàng khá lạ khi tủ trưng bày trống trơn, nhưng khách muốn mua loại vàng nào sẽ có loại đó.
Theo quy định, từ 15/6/2024, các đơn vị kinh doanh vàng bạc nếu không thực hiện kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế thì sẽ bị rút giấy phép. Trước đó, từ đầu tháng 4, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn theo Công điện số 23 ngày 20/3 của Thủ tướng về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.
Để đối phó với việc kiểm tra, một số tiệm vàng đã tạm dừng bán có thời hạn hoặc thay đổi cách kinh doanh, có người đóng hẳn cửa hàng chuyển sang bán online.
Tủ trống trơn nhưng khách mua gì cũng có
Tại trung tâm thương mại An Đông (Quận 5), gần 11h trưa 18/6, hàng loạt tiệm vàng vẫn đóng cửa im lìm. Những tiệm mở cửa thì bày rất ít hàng trong tủ kính, với vài sợi dây chuyền, lắc tay và trang sức bằng bạc. Các tủ trưng bày vàng không rực rỡ, phong phú mẫu mã với vàng, đá quý, kim cương… như trước đây.
Cá biệt, có một số quầy mở bán bình thường nhưng tủ trưng bày trống trơn, không có bất cứ sản phẩm nào. Khách tới, các nhân viên tư vấn rất nhiệt tình và muốn mua gì thì sẽ được cho xem riêng.
Theo lời nhân viên bán hàng, sản phẩm được cất ở bên trong, khách muốn mua gì cũng có, từ vàng nhẫn 9999 đến các loại trang sức, cẩm thạch, kim cương… Cửa hàng không trưng bày vì lo bị phạt khi quản lý thị trường kiểm tra.
Bà Nguyên, chủ một tiệm vàng ở trung tâm thương mại An Đông, cho biết mấy tháng nay buôn bán ế ẩm, cộng với chưa hoàn thiện các quy định về chứng từ, hóa đơn nên một số tiệm vàng tạm đóng cửa nghỉ ngơi, đi du lịch.
Bà kinh doanh ngành hàng này cũng 30 năm, trước đây buôn bán thuận lợi nên tiệm bà lúc nào cũng có mười mấy thợ kim hoàn. Mấy năm nay, thợ nghỉ nhiều, giờ chỉ còn 2 thợ làm “túc tắc”.
Bà bảo, hai vợ chồng đã già, việc thực hiện các yêu cầu kết nối hóa đơn điện tử, chứng minh nguồn gốc sản phẩm không dễ dàng, nhưng cố gắng để thực hiện.
Với việc chứng minh nguồn gốc sản phẩm, bà cho rằng không nên cứng nhắc. Bởi thực tế vàng nhẫn 9999 và các loại nữ trang đều có khắc tên doanh nghiệp, hàm lượng vàng. Khi đi bán, người mua chỉ cần nhìn là biết vàng của tiệm nào, hoặc khách mua ở đâu thì bán ở đó như trước đến nay.
Bà cũng cho biết mình không có ý định dừng kinh doanh, bởi hàng hóa nhiều, nếu nghỉ thì số nữ trang sẽ phải thanh lý lại, thiệt hại lớn. Hơn nữa bà không muốn bỏ nghề gia truyền đã gắn bó với nhiều thế hệ trong gia đình.
Cần lộ trình hợp lý
Tại phố vàng bạc đá quý TP.HCM (Quận 5), sau 3 ngày thực hiện quy định kết nối hóa đơn điện tử với cơ quan thuế, các điểm bán trang sức cũng nơi đóng, nơi mở ngóng chờ khách như nhiều tháng qua.
Anh Phạm Ngọc Duy, chủ tiệm vàng Ngọc Dung ở đường Nhiêu Tâm, cho rằng đã là quy định thì các đơn vị kinh doanh phải thực hiện. Việc mua bán vàng, nữ trang có hóa đơn chứng từ đầy đủ, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng là cách khẳng định uy tín cửa hàng, giúp khách tin tưởng mua sản phẩm.
Từ tháng 4, tiệm vàng của anh cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra và hướng dẫn thực hiện đúng các quy định kinh doanh. Anh cũng chuẩn bị các điều kiện để kết nối hóa đơn điện tử từ trước, nhưng thực tế triển khai khó trăm bề.
Đầu tiên là chi phí kinh doanh đội lên từ việc thêm nhân công chuyên nghiệp, chi phí sản phẩm cũng tăng lên, vì để đảm bảo chứng từ, các cửa hàng bây giờ đầu vào mua qua doanh nghiệp lớn, không lấy từ các đầu mối nữ trang truyền thống như trước đây nữa, giá sẽ cao hơn.
Tất cả cộng vào giá bán, khách hàng phải chịu, nên việc bán sản phẩm khó hơn, vì khách đi tiệm này tiệm kia dò giá rất kỹ.
Không chỉ vậy, mấy ngày nay, khách đến mua bán vàng, nhân viên cửa hàng anh yêu cầu cung cấp thông tin, chụp hình căn cước công dân để xuất hóa đơn điện tử, một số người đồng tình nhưng cũng nhiều người phản ứng, có người còn bực tức, la lối nhân viên cửa hàng.
Theo anh Duy, cửa hàng nào cũng cố gắng để từng bước đáp ứng tiêu chí kinh doanh. Nhưng việc thay đổi nên có lộ trình chứ không phải một sớm một chiều đồng loạt ngay được. Bởi kinh doanh ngành hàng này nhiều người có tuổi, nối nghiệp gia đình làm ăn lâu năm.
“Tôi nghĩ cơ quan quản lý nên thực hiện từng bước, có lộ trình để các điểm bán thực hiện và khách hàng cũng chia sẻ. Khách hàng họ mang sợi dây chuyền, chiếc nhẫn vàng là quà được tặng từ nhiều năm trước tới bán, ai tặng hay được tặng lúc nào có khi họ còn không nhớ thì nói chi chứng minh được xuất xứ, nguồn gốc. Mà không lẽ người ta không chứng minh được nguồn gốc, tiệm vàng lại đi ép giá”, anh Duy nói.
Chủ tiệm này cũng nói thêm, hiện quản lý thị trường đang tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên, để hỗ trợ các cửa hàng hoàn thiện quy định kinh doanh. Nhưng một số tiệm vàng đã quyết định tạm dừng kinh doanh. Có tiệm như cửa hàng G. ở chợ An Đông cũ đã đổi qua bán online các loại đá quý, kim cương, vòng cẩm thạch và nữ trang các loại.
Trong khi cửa hàng nhỏ than vất vả thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như SJC, Doji, PNJ… đã sớm xuất hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế cho khách hàng và không gặp trở ngại nào.
Như tại PNJ, hóa đơn mua hàng, các thông tin bảo hành sản phẩm được gửi cho khách toàn bộ qua hình thức online dù nhiều thời điểm khách hàng phải chờ khá lâu.
Cả nước đang có khoảng 12.500 doanh nghiệp có hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc và có trên 5.000 hộ, cá nhân gia công vàng. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, đã có hơn 7.200 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng bạc áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng 1,34 triệu hóa đơn điện tử đã sử dụng.
Bộ Tài chính cũng đồng tình doanh nghiệp khi thực hiện giải pháp hóa đơn điện tử sẽ phát sinh chi phí về hóa đơn, nhân sự... Nhưng việc mua bán vàng có hóa đơn điện tử sẽ thể hiện sự minh bạch, uy tín và tin tưởng từ khách hàng. Người mua vàng sẽ yên tâm khi vàng được chứng minh nguồn gốc, chất lượng.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tiem-vang-o-tp-hcm-dung-du-chieu-tro-ne-kiem-tra-ar877948.html