Tiễn biệt nghệ sĩ Vũ Linh - ông vua cải lương Hồ quảng
Vĩnh biệt ông vua Hồ quảng của Tướng cướp Bạch Hải Đường , của Tình anh bán chiếu ...; vĩnh biệt giọng hát huyền thoại từ những chiếc băng cassette...
Được yêu mến bởi giọng hát mùi mẫn, nốt cao căng tràn, tươi sáng, vũ đạo cực kỳ đẹp mắt trên sân khấu, NSƯT Vũ Linh được nhiều thế hệ khán giả gọi là ông vua cải lương Hồ quảng.
Thế nhưng trưa 5-3, “vị vua” của sân khấu cải lương miền Nam đã ra đi ở tuổi 66 sau thời gian chống chọi với bạo bệnh.
Ông vua Hồ quảng của cải lương miền Nam
Với nhiều vở diễn như Xa phu đi sứ, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Bàng Quý Phi, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Chiêu Quân cống Hồ, Bức ngôn đồ Đại Việt…, có thể nói danh xưng này hoàn toàn xứng đáng với ông.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về cuộc điện thoại với nghệ sĩ Tài Linh từ Mỹ lúc 10 giờ 30 (theo giờ California, Mỹ), ca sĩ Quang Thành cho biết nữ nghệ sĩ tinh thần rất yếu, khóc rất nhiều, nấc nghẹn từng tiếng thông báo về sự ra đi của NSƯT Vũ Linh.
“Dù biết thời gian qua anh Vũ Linh đau bệnh và nhập viện nhiều lần, bác sĩ cũng đã tiên lượng tình huống xấu nhất nhưng sao đau quá, không ai muốn ngày này em ạ” - nghệ sĩ Tài Linh tâm sự.
Ca sĩ Quang Thành cho biết thêm nghệ sĩ Tài Linh chia sẻ với anh theo dự định trước đây chị sẽ về thăm gia đình và NSƯT Vũ Linh vào tháng 3 này, tuy nhiên do công việc bận rộn nên chưa về được.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, NSƯT Lê Thiện, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, cũng là người quản lý đầu tiên của NSƯT Vũ Linh, nói: “Anh là một người diễn Hồ quảng, tuồng cổ thì tôi nghĩ sau NSND Thanh Tòng, một số nghệ sĩ khác nữa thì không có người thứ hai, thứ ba”.
“Khi anh về Trần Hữu Trang, vở đầu tiên anh tham gia là Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Tôi không nhớ là bao nhiêu suất diễn nhưng có những ngày chúng tôi diễn đến ba suất, đó là vào khoảng những năm 1980” - NSƯT Lê Thiện nhớ lại.
Còn với NSƯT Diệu Hiền, bà đánh giá không ai vừa hát vừa diễn xuất sắc hơn Vũ Linh với vai Lương Sơn Bá, đặc biệt trong phân cảnh Chúc Anh Đài lên xe hoa, làm lễ vu quy. “Nét diễn tài hoa kết hợp lối hát nghẹn ngào, chất chứa tâm tình của Vũ Linh đi vào ký ức khán giả đương thời, trở thành chuẩn mực ca diễn cho nhiều thế hệ hậu bối như Vũ Luân, Võ Minh Lâm” - NSƯT Diệu Hiền chia sẻ.
Một người thầy, người anh đáng kính
NSƯT Lê Thiện cho biết nói về Vũ Linh thì không biết nói sao cho đủ về người nghệ sĩ tài hoa của sân khấu cải lương Hồ quảng.
“Vũ Linh rất nóng tính nhưng mà nóng tính đúng, nóng tính trong nghề nghiệp thôi khi các em không nghiêm túc hoặc sân khấu có những sơ suất. Tuy nhiên, với những người nghệ sĩ trẻ dưới trướng mình thì Vũ Linh hết lòng thương yêu, dìu dắt.
Vũ Linh rất hạnh phúc, rất vui khi những đứa em của mình thành công. Ít có những người nghệ sĩ có tâm hồn mà tôi cho là thánh thiện như vậy!” - NSƯT Lê Thiện bày tỏ.
Đối với nữ nghệ sĩ Thoại Mỹ, NSƯT Vũ Linh không chỉ là một đồng nghiệp, bạn diễn ăn ý trên sân khấu mà còn là một người thầy, một người anh trong gia đình.
“Từ lúc mới ra trường hát những vai nhỏ rồi về Trần Hữu Trang với anh, được anh tập cho tôi hát. Và những lúc khó khăn nhất tôi bệnh tưởng không thể theo nghề được nữa thì chính anh là người thắp nhang cầu nguyện tổ nghiệp cho tôi được đi theo nghề trở lại.
Cho đến bây giờ cũng vậy, nhiều khi ngồi phía dưới, thấy chúng tôi tập không đúng là anh nhảy lên sân khấu để dạy liền.
Ngày bác sĩ kêu anh phải mổ để điều trị, anh rất sợ. Anh sợ mổ rồi sẽ không thể đứng được trên sân khấu. Anh vẫn khát khao được đứng trên sân khấu nên anh đã cố gắng chịu đựng.
Đến tháng 3 năm ngoái, mặc dù sức khỏe không được như bình thường nhưng anh vẫn muốn đứng trên sân khấu. Tôi cùng Bình Tinh và anh Hữu Quốc đã dựng lại vở Mạnh Lệ Quân kỳ nữ để anh tham gia như là một kỷ niệm và cũng là động lực để thấy anh còn sức khỏe, còn đến được sân khấu.
Tôi cũng không ngờ đó là vai diễn cuối cùng của anh trên sân khấu hát với chúng tôi” - NSƯT Thoại Mỹ nghẹn ngào.
NSƯT Vũ Linh tên thật là Võ Văn Ngoan, sinh năm 1958 tại Sài Gòn. Ông xuất thân trong gia đình nghèo nên việc học hành dang dở. Năm 13 tuổi, gia đình cho ông học hát ở Trường Văn Phát, sau chuyển qua học ca cổ với Văn Vĩ.
Năm 1972, ông theo đoàn hát Đồng Ấu Hoa Thế Hệ đi lưu diễn ở các tỉnh, một thời gian sau thì về hát cho gánh Hoa Anh Đào Kim Chưởng.
Trên sân khấu này, ông gặp được NSƯT Diệu Hiền và nghệ sĩ Trương Ánh Loan - hai người thầy đã dạy cho ông nhiều bài học kinh nghiệm trong diễn xuất.
Từ những đoàn hát ban đầu, anh đã trải qua rất nhiều đoàn hát như Khánh Hồng An Giang, Sông Bé, Thiên Nga… Năm 1981, ông tham gia hai đoàn Minh Tơ và Huỳnh Long, tạo được dấu ấn đẹp với thể loại cải lương Hồ quảng.
Năm 1991, Hội Sân khấu TP.HCM lần đầu tổ chức cuộc thi “Triển vọng Trần Hữu Trang”, Vũ Linh đã đoạt huy chương vàng giải Triển vọng. Ông cũng là nam nghệ sĩ duy nhất trong số sáu diễn viên đoạt giải năm đó (Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Tài Linh, Phương Hồng Thủy và Thanh Hằng).
Năm 1995, ông tiếp tục đoạt huy chương vàng giải Xuất sắc Trần Hữu Trang với nhân vật Nguyễn Địa Lô trong trích đoạn vở Bức ngôn đồ Đại Việt. Đây là năm đầu tiên Giải Trần Hữu Trang có thêm giải Diễn viên xuất sắc.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tien-biet-nghe-si-vu-linh-ong-vua-cai-luong-ho-quang-post722560.html