Tiễn biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Ngày 24-3, tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, người thân, bạn bè và đông đảo người yêu mến đã có mặt tiễn đưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - người có ảnh hưởng lớn tới đời sống văn học, làm thay đổi sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam, về nơi an nghỉ cuối cùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gửi vòng hoa đến viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Trong lễ tang, nhiều bạn văn, bạn thơ, nghệ sĩ và người hâm mộ văn chương Nguyễn Huy Thiệp đã không cầm được nước mắt khi nhắc nhở những kỷ niệm với ông. Trong mắt nhiều đồng nghiệp, Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là một nhà văn tài năng, khó ai có thể thay thế mà còn là một người sống rất chân chất, giản dị và hiền hòa.

Xúc động đọc điếu văn cho Nguyễn Huy Thiệp tại lễ truy điệu, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định: Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. Và cho tới lúc này ông vẫn là người ngự trị trên ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại. Văn của Nguyễn Huy Thiệp là sự trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng sự thật và gọi đúng tên sự thật. “Văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người. Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó làm con người đau đớn đến mức tưởng không thể chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên…”, ông Thiều xúc động nói.

"Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông."- Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh

"Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông."- Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh

Đọc những thiên chuyện của ông, người đọc khi mang theo cảm giác, nhiều kinh sợ bởi họ nhận ra những vùng tối đầy hoang dại còn đâu đó trong chính con người họ. Để từ đó, họ được tỉnh thức và biết hành động để phục sinh nhân tính của mình. Chính thế mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói: "Khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho dân chúng". Đấy là bản tuyên bố của ông về sứ mệnh người cầm bút. Và ông đã đi trên con đường ấy từ khi cầm bút cho đến khi giã từ cuộc sống thế giới mà không hề nao núng, không hề thay đổi cho dù trên con đường ấy quá nhiều gai, quá nhiều thách thức cùng biết bao mê dụ" - điếu văn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Họa sĩ Nguyễn Phan Bách - trưởng nam của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - nghẹn ngào nói những lời sau cuối trước vong linh bố và người thân, bạn bè cùng độc giả mến mộ nhà văn. Thay gia đình đáp từ, trân trọng cảm ơn sự thăm hỏi, động viên của bạn bè, đồng nghiệp từ khi ông ngã bệnh cho tới khi đưa ông về cõi vĩnh hằng.

Giây phút mặc niệm ông, giai điệu ca khúc “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn vang lên qua tiếng saxophone của nghệ sĩ Quyền Văn Minh.
Sau lễ viếng, thi hài của nhà văn sẽ được đưa xuống Nhà hóa thân hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội. Tro cốt và di hài ông sẽ được đưa vễ nghĩa trang gia đình thôn Tằng My, xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội chiều cùng ngày.

MAI AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tien-biet-nha-van-nguyen-huy-thiep-720757.html