Tiền buông, hậu cũng... buông!
Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề nhạy cảm, gắn bó trực tiếp tới đời sống của nhân dân, nên lâu nay, trước vấn nạn thực phẩm bẩn ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, các bộ ngành chức năng đã ban hành nhiều quy định pháp lý để tăng cường quản lý, kiểm soát ATTP.
Tuy nhiên, xem ra càng có nhiều quy định quản lý về thực phẩm thì “lỗ hổng” lại càng lớn. Trước đây, mỗi sản phẩm thực phẩm trước khi đưa ra thị trường phải đăng ký chất lượng với cơ quan chức năng và được cơ quan chức năng thẩm tra, cấp chứng nhận chất lượng mới được phép lưu hành. Sau đó, các cơ quan chức năng cũng có những biện pháp để kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm được đưa ra thị trường nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng mất vệ sinh ATTP vẫn phức tạp, với số vụ ngộ độc tăng cao, nảy sinh nhiều phiền toái cho doanh nghiệp trong việc công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm.
Trước sự bất cập trên, năm 2018, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về quản lý ATTP ra đời với nhiều quy định mới có tính đột phá, quy định tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó, thay vì gửi hồ sơ công bố tới các cơ quan Nhà nước để xác nhận. Sau đó, cơ quan quản lý có trách nhiệm kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, chất lượng đối với thực phẩm được doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Các quy định này là bước đột phá cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp, cũng như giúp tiết kiệm hàng triệu ngày công, hàng trăm tỷ đồng cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Thế nhưng, thực tế sự thông thoáng này dường như đang khiến việc quản lý và kiểm soát ATTP thêm khó khăn phức tạp hơn, khi nhân lực của các cơ quan chức năng để thanh kiểm tra vừa yếu vừa thiếu, thậm chí còn lơi lỏng trách nhiệm, chưa sâu sát; cùng với đó là sự chồng chéo trong công tác quản lý giữa các bộ ngành.
Thực trạng trên khiến cho vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn rất nan giải và phức tạp. Mới đây, khi dịch Covid-19 đang hoành hành tại nhiều địa phương thì người dân cả nước và dư luận xã hội lại “dậy sóng” hoang mang, lo lắng sau vụ việc sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (ở tổ 2, thị trấn Đông Anh, Hà Nội) có độc tố nguy hiểm, làm nhiều người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Càng bức xúc hơn, khi ngay giữa tháng 7 đã xuất hiện một số người bị ngộ độc do sử dụng pate Minh Chay, nhưng phải tới ngày 19-8, cơ quan chức năng mới tiến hành kiểm tra doanh nghiệp sản xuất này; và ngày 20-8 mới tạm đình chỉ sản xuất kinh doanh, đồng thời lấy mẫu tiếp để kiểm nghiệm. Tiếp đó, sau khi kết quả kiểm nghiệm phát hiện có vi khuẩn độc hại nhưng phải tới ngày 29-8, Cục ATTP mới có cảnh báo rộng rãi, công khai cho người tiêu dùng. Đây quả là một sự phản ứng quá chậm chễ, thậm chí là thờ ơ trước một sự cố nghiêm trọng về thực phẩm, dù cơ quan chức năng (ở đây là Cục ATTP) có biện minh rằng phải thận trọng, đủ căn cứ pháp luật và cân bằng giữa lợi ích của người tiêu dùng, nhà sản xuất khi công bố.
Để có thể bịt được những “lỗ hổng” lớn trong công tác ATTP hiện nay và lấy lại niềm tin cho người dân, ngoài việc phải thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử phạt thật nghiêm minh cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn, thì chính các cơ quan quản lý phải nâng cao hơn tinh thần trách nhiệm trong công việc, nhanh nhạy, chủ động bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, chứ không thể trông chờ vào sự tự giác và trách nhiệm của doanh nghiệp, hay sự tỉnh táo, thông thái của người tiêu dùng.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tien-buong-hau-cung-buong-682757.html