Tiên Cảnh, Tiên An: vùng trầm dó trời cho!
Chuyện lạ. Mấy năm gần đây, các chủ vườn dó ở một số thôn thuộc hai xã kề nhau Tiên Cảnh và Tiên An của huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam có được trầm tự nhiên từ cây dó nhờ một loại côn trùng tạo nên. Trầm tự nhiên có giá bán cao hơn nhiều lần so với trầm qua xử lý cây dó nên các chủ vườn dó ở những nơi này đang... 'trúng mánh'!
Hai xã Tiên Cảnh, Tiên An thuộc một vùng liên kết những thung lũng hẹp. Những vườn dó vùng này tiếp giáp đồi núi nên có nhiều cây dó tự mọc đã từ lâu. Đây vốn là nguồn hạt giống để cư dân ươm trồng và bán ra nhiều nơi khi việc trồng dó khởi phát khoảng 25 năm trước.
HỄ CÂY DÓ CÓ SÙNG ĐỤC LÀ CÓ TRẦM
Những chủ xưởng chế biến trầm là những người phát hiện ra nguồn trầm tự nhiên. Anh Phạm Viết Hiển, chủ một xưởng trầm ở Tiên An kể là hồi năm 2015, khi khai thác một cây dó trắng (tức chưa được xử lý để tạo trầm) của một chủ vườn ở làng Eo Bò (Tiên Cảnh), anh phát hiện việc sùng (từ địa phương chỉ loài côn trùng đục thân cây, đục đọt non để ăn) đục thân cây tạo nên trầm. “Thấy gốc cây dó có dấu những lỗ đục đã lâu, tui tính xẻ cây lấy giác bán. Không ngờ khi xẻ ra thì thấy toàn thân cây dó, chỗ nào cũng có những dấu đục ngoằn ngoèo, còn trầm thì kết quanh những dấu đục đó. Thiệt là trúng mánh!”.
Càng hấp dẫn với người chủ xưởng này là khi chẻ từng đoạn dó ra, anh bắt gặp những con sùng còn nán lại ở thân cây. “Nó to hơn cả con nhộng tằm, màu vàng chái, cái răng rất bén... Chính con sùng đã làm cho cây dó nó ăn có trầm!”, anh Hiển nói.
Cũng là một trong số những người may mắn sớm tìm mua được nguồn trầm tự nhiên ở đây, anh Nguyễn Thanh Điền, chủ một xưởng trầm ở thị trấn Tiên Kỳ, cho biết cũng như những vườn dó ở làng Eo Bò, hầu hết các vườn dó ở Tiên An, từ cây lớn đến cây chỉ bằng bắp chân, đều có sùng đục. “Dó sùng ở đây cho ra nhiều nhất là trầm tốc, mà quý nhất là tốc bông. Còn trầm cục, trầm miếng thì có ít thôi”. Rồi anh khoe: “Tui mới thu được hai đoạn tốc bông, có một đoạn dài hơn 2 mét, nặng khoảng 20 ký”.
Tốc bông là loại tốc có da ngoài đầy những gai/mụt giống như da trái khổ qua, có màu nâu nhạt và có vân khá đẹp. Đây là loại tốc hàng đầu mà thị trường rất chuộng để làm hàng trầm mỹ nghệ, trầm trang sức. “Trước đây, tụi tui đi tìm trầm trên rừng rất ít khi được tốc bông. Vậy mà nay anh em ở vùng dó Tiên Cảnh, Tiên An lại thường được tốc bông”, ông Phan Quang Xuyến, chủ một xưởng trầm ở Tiên Kỳ, cho biết. Cũng theo người thợ trầm lớn tuổi này, trầm có ba loại chính: tốt nhất mà cũng hiếm có nhất là trầm kỳ nam, rồi đến trầm cục và trầm miếng mỏng, cuối cùng là trầm tốc - loại trầm mà thớ gỗ của cây dó vẫn còn nhưng đã được dầu trầm ăn vào. Mỗi loại trầm lại có nhiều hạng, nhiều loại. “Nay con sùng cho cây dó có được trầm tốc mà có cả tốc bông nữa thì tốt quá!”, ông Xuyến nói.
TỰ TIN VỚI NGUỒN TRẦM QUÝ
Ông Đoàn Viết Thu, chủ một vườn dó sùng đục ở Tiên An, cho biết: “Hồi tháng trước, tui bán một cây dó sùng đục bị gió làm gãy ngọn, gốc của nó chỉ bằng bắp chân, vậy mà được 5 triệu đồng. Nếu không có sùng đục thì chỉ có bỏ chứ dó trắng thì ai mà mua!”.
Còn chủ vườn Võ Văn Sơn ở Tiên Cảnh kể: “Năm 2017, tui bán cây dó có vanh (chu vi/viên chu) 1,4 mét được 42 triệu đồng. Tui đòi giá đó vì nó là cây dó lớn chứ không nghĩ nó có nhiều trầm nhờ sùng đục. Chứ nếu biết thì phải bán trên 60 triệu mới khỏi... hớ!”. Theo ông Sơn, các chủ vườn dó trong vùng biết việc dó sùng có trầm tự nhiên và bán được giá cao chỉ mới từ khoảng hai năm trở lại đây. Rồi chỉ vào những lỗ sùng đục chi chít trên thân cây dó và những vệt bột dó rơi xuống trắng gốc nơi vườn dó 700 cây của mình, ông nói tiếp: “Loại sùng này sinh sôi rất nhanh. Giờ thì trên 90% số vườn dó ở các làng Dằng Xay, Eo Bò của xã Tiên Cảnh và ở thôn 4 xã Tiên An đều có sùng đục”.
Ở những vùng dó sùng nêu trên, một số người lớn tuổi trước đây từng theo nghề săn trầm ở rừng, đến khi được các thương lái tìm mua trầm dó sùng đục với giá cao thì mới chợt nhớ lại việc họ đã săn được những đoạn trầm tốc từ những cây dó có những lỗ nhỏ có kiến ở bên trong, được giới săn trầm quen gọi là tốc kiến. Hai năm nay, các chủ vườn dó tin tưởng hơn ở lượng trầm tự nhiên mà họ sẽ thu được nên họ không cần kêu thợ xử lý dó nữa. Ông chủ vườn Sơn vốn cũng là thợ xử lý dó, nói: “Tui “thất nghiệp” vì không ai mướn xử lý dó nữa nhưng tui lại mở xưởng làm trầm tại nhà. Tui vừa khai thác dó sùng của mình, vừa mua dó sùng của bà con trong làng về làm và bán đi các nơi”. Ông Sơn cũng vừa mới lấy được một đoạn trầm tốc bông dài 2 mét từ một cây dó sùng có vanh gốc 0,8 mét mà ông mua với giá 20 triệu đồng của một người trong làng.
Ông Xuyến cũng chuyên mua dó sùng ở Tiên Cảnh, Tiên An, cho biết: “Những cây dó sùng chúng tôi mua đều chỉ mới được sùng đục chừng ba năm. Nếu để lâu hơn thì chắc sẽ có các loại trầm tốc, trầm cục tốt hơn”. Các chủ vườn dó ở đây cũng có nhận định giống các thương lái nên họ đã cố nuôi giữ cho cây dó sùng đục của mình có thêm tuổi rồi mới bán. Chủ vườn Nguyễn Phước Điền cho hay: “Tui đi săn trầm núi nhiều năm cũng hay được trầm tốc kiến, vậy mà chưa lúc nào gặp con sùng đục thân dó to như ở đây, bởi vậy cây dó có nhiều trầm tốc”.
Chủ vườn Nguyễn Dưỡng ở làng Eo Bò nói ông vừa bán hai cây dó sùng đục trồng 12 năm và thu được tổng cộng 25 triệu đồng, “vì trầm từ dó sùng là trầm tự nhiên có giá cao gấp 7-8 lần cây dó xử lý”.
MONG NHÀ KHOA HỌC VÀO CUỘC
Cũng từ hai năm nay, vùng trầm dó Tiên Cảnh, Tiên An đã thu hút khách mua trầm hương từ các nơi đến, đáng kể là từ Hà Nội và Khánh Hòa. Ông Xô, một khách buôn trầm ở Vạn Giã (Khánh Hòa) đến mua trầm ở xưởng của anh Nguyễn Thanh Điền, nhận xét: “Những vùng dó sùng đục hàng loạt như ở đây là điều rất độc đáo tui chưa từng thấy có ở đâu”. Theo ông Xô, việc côn trùng đục thân dó tạo nên trầm thường hết sức thưa thớt, lẻ tẻ, không đáng kể, không thành vùng, thành vệt, ngay cả ở dó trên rừng thời trước. Còn ở những vườn dó trồng có tuổi từ 25 năm trở xuống ở Khánh Hòa thì cho đến nay vẫn không có hiện tượng này.
Huỳnh Văn Mỹ