Tiền chuyển nhầm vào tài khoản: Khi nào được sở hữu hợp pháp?
Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, khi phát hiện nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản, việc đầu tiên cần báo cho chính quyền và Công an.
Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, khi phát hiện nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản, người thụ hưởng có nghĩa vụ hoàn trả. Việc chiếm giữ, sử dụng số tiền này mà không có căn cứ pháp luật có thể bị xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ảnh minh họa.
Theo Điều 165 Bộ luật Dân sự năm 2015, chỉ được coi là chiếm hữu có căn cứ pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp: tài sản do chính mình sở hữu; được chủ sở hữu ủy quyền quản lý; chiếm hữu qua giao dịch hợp pháp; hoặc là tài sản vô chủ, không xác định được chủ sở hữu, bị bỏ rơi và đủ điều kiện chiếm hữu theo quy định.
Đáng lưu ý, trong trường hợp tiền được chuyển nhầm vào tài khoản người khác, để được coi là tài sản vô chủ thì người nhận phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc công an nơi gần nhất nhằm công khai thông tin tìm chủ sở hữu. Nếu sau một năm kể từ thời điểm thông báo mà không xác định được chủ sở hữu, người nhận mới có thể được công nhận quyền sở hữu (theo Điều 228 Bộ luật Dân sự 2015).
Trường hợp người nhận cố tình không hoàn trả số tiền chuyển nhầm, hành vi này bị xem là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Theo Điều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015, người chiếm giữ tài sản không hợp pháp phải hoàn trả lại cho chủ sở hữu.
Ngoài ra, theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi chiếm giữ tài sản của người khác có thể bị xử phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng và buộc hoàn trả số tiền đã chiếm giữ.
Nghiêm trọng hơn, người không hoàn trả tiền chuyển nhầm có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, có thể xử lý về tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015), phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc phạt tù đến 5 năm; Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177), phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, hoặc phạt tù đến 7 năm tù.