Tiền đề có tính nền tảng tư tưởng chính trị của Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp
Cách nay đúng 100 năm, Nguyễn Ái Quốc - người mà mật thám Pháp dự báo sẽ là nhân vật đặt cây thánh giá lên nền thống trị của Pháp ở xứ An Nam đã gửi tới Hội nghị Véc Xay Bản yêu sách 8 điểm, đòi các nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất phải thực hiện một số quyền con người cho An Nam nói riêng, Đông Dương nói chung.
50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những giá trị cốt lõi của Di chúc
Thật đáng tiếc là Bản yêu sách đó không được các cường quốc tham dự Hội nghị Véc Xay đề cập đến, bởi mục đích và tính chất của hội nghị là cuộc thương thuyết về lợi ích trên đầu người khác giữa các lực lượng thực dân, đế quốc với nhau, tuyệt nhiên không phải là một hội nghị có tính cách mạng. Các nước Anh, Mỹ, Pháp và đồng minh cùng chia nhau lợi ích và phân định lại vị thế, ảnh hưởng của các nước lớn, kẻ thiệt thòi nhất chính là phe hiếu chiến Đức - Áo - Hung. Sự bất công ấy đã gieo mầm đại họa cho Chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Tuy bất thành, song việc làm đầy tính cách mạng của Nguyễn Ái Quốc đã có tác động rất lớn, ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam nói riêng, của Đông Dương cũng như trên toàn thế giới.
1. Bản yêu sách mà Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Véc Xay là bước ngoặt trong tiến trình tìm đường cứu nước theo con đường cách mạng vô sản.
Nội dung Bản yêu sách hết sức ngắn gọn, súc tích, ẩn chứa những giá trị cốt lõi của thời đại, của loài người đang trong quá trình đấu tranh cách mạng, tự cứu mình khỏi ách áp bức thống trị tàn ác của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên phạm vi toàn thế giới, trong đó An Nam, Đông Dương là một khoảng tối cần được thắp sáng ngọn lửa hy vọng giành lại quyền làm người. Giữa dông tố thời đại, tưởng chừng như vô vọng, không có lối ra (bởi từ năm 1858 đến năm 1919, hàng loạt cuộc khởi nghĩa vũ trang và phong trào yêu nước trên toàn cõi Việt Nam đều chưa một lần thành công), người dân Việt Nam đã được nhen nhóm trở lại ngọn lửa yêu nước từ Nguyễn Ái Quốc (người yêu nước họ Nguyễn).
8 yêu cầu được nêu trong Bản yêu sách là: 1. Tổng ân xá tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị. 2. Cải cách nền pháp lý Đông Dương bằng cách để người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm pháp lý như người châu Âu. Xóa bỏ hoàn toàn những tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam. 3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận. 4. Tự do lập hội và hội họp. 5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương. 6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật tại tất cả các tỉnh cho người bản xứ. 7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. 8. Có đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được nguyện vọng của người bản xứ.
Có thể nói, trong bối cảnh xã hội thời điểm đó, Bản yêu sách mà Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Véc Xay chính là tiếng nói của lương tri, ẩn chứa tiền đề định hướng tư tưởng chính trị về cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam nói riêng, toàn cõi Đông Dương cũng như đối với các dân tộc, giai cấp bị áp bức, thống trị trên thế giới.
Thế nhưng, việc các nước thắng trận không đưa Bản yêu sách vào nghị trường càng chứng minh cho những người yêu nước Việt Nam, trước hết là Nguyễn Ái Quốc và những người hoạt động cách mạng trên đất Pháp lúc bấy giờ nhận thức rõ hơn về bản chất ngoan cố của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, không thể chờ đợi vào hành vi “rủ lòng thương” của những kẻ thống trị. Chỉ sau đó một năm, vào tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận bản sơ thảo Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Phải đọc đi đọc lại nhiều lần thì mới hiểu được chân lý thời đại trong văn bản đặc biệt quan trọng đó, Nguyễn Ái Quốc đã reo lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Kể từ đó, Nguyễn Ái Quốc trở thành niềm tin và hy vọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, cho những kiếp đời lầm than, nô lệ. Con đường lịch sử mà Nguyễn Ái Quốc tìm được cho lịch sử hiện đại của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX là con đường tiến hành cuộc cách mạng vô sản, theo ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
2. Những giá trị nền tảng của tư tưởng nhân bản, nhân văn, nhân ái trong Bản yêu sách mà Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Véc Xay chắc chắn sẽ vẫn mãi là ánh sáng soi đường cho dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường cách mạng mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Những điều biểu đạt ngắn gọn, súc tích trong Bản yêu sách mà Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Véc Xay 100 năm trước không được các cường quốc quan tâm, giải quyết, ngược lại còn đưa Nguyễn Ái Quốc vào danh sách “đặc biệt nguy hiểm” của thực dân Pháp, để tìm cách thủ tiêu, tiệt trừ “hậu họa”. Vượt qua mọi hiểm nguy, Nguyễn Ái Quốc đã làm tất cả vì “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi”.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc “tấn công lên trời” của một dân tộc chịu nhiều đau thương trong hơn 80 năm xiềng xích, dân tộc Việt Nam đã tự cởi xiềng xích, rồi sau đó vào ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh đã thay mặt quốc dân đồng bào tuyên bố với toàn thế giới về những quyền thiêng liêng mà mình đã giành được và có quyền tự bảo vệ nó. Song, thực dân Pháp vẫn không chấp nhận thực tế đó, cũng như các cường quốc Mỹ, Anh đều không chấp nhận Chính phủ Hồ Chí Minh, nên đã câu kết, rắp tâm trở lại xâm chiếm nước ta lần nữa.
Mùa hè năm 1946, Hồ Chí Minh với vai trò là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang làm thượng khách của Chính phủ Pháp. Đó là một sự đón tiếp bất đắc dĩ với người Pháp, trong dịp này, Hồ Chí Minh đã đến thăm Bảo tàng quân sự của Pháp, Người đã dùng bàn tay từng trải cách mạng che miệng súng đại bác, hàm ý gửi đi thông điệp với người Pháp rằng hãy từ bỏ âm mưu chiến tranh, hãy hướng tới hòa bình, hợp tác với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cũng trong dịp này, khi gặp gỡ và trả lời đại biểu nhà báo Pháp và nhà báo ngoại quốc (ngày 12-7-1946), Hồ Chủ tịch đã nói: “Chúng tôi quyết không hạ thấp chúng tôi. Mà chúng tôi cũng không muốn hạ thấp nước Pháp. Chúng tôi không muốn đẩy người Pháp ra khỏi Việt Nam. Nhưng chúng tôi nói với họ: Các người hãy phái đến nước chúng tôi những kỹ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư; phái đến những người biết yêu chuộng chúng tôi. Nhưng chớ phái qua những người muốn bóp cổ chúng tôi. Việt Nam cần nước Pháp. Nước Pháp cũng cần Việt Nam. Chỉ có lòng tin cậy lẫn nhau và sự cộng tác thật thà, bình đẳng, thì mới đi đến kết quả thân thiện giữa hai nước”.
Nhưng thật đáng tiếc, cánh tay hòa bình của Hồ Chí Minh đã bị Chính phủ Pháp khi đó hờ hững buông lơi, nên cái giá phải trả cao nhất đối với nước Pháp là danh dự và xương máu, tiền của, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nước Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneve. Nước Mỹ sau này đã tiếp tục đi theo vết xe đổ của nước Pháp, để cuối cùng phải nếm trải thảm bại trên bầu trời Hà Nội, buộc phải ký Hiệp định Paris.
Lịch sử đã sang trang, nhưng những giá trị bất hủ trong Bản yêu sách 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc cách nay 100 năm sẽ chiếu sáng đường chúng ta đi tới tương lai tự lực, tự cường.
Hà Nội, tháng 6-2019