Tiền đề để kinh tế năm 2025 tăng tốc và về đích
Kết quả tích cực năm 2024 là tiền đề để bước sang năm 2025 nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Vượt qua những biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt 7,09%, vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra… Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Hương cho biết: Kết quả tích cực của năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025 nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
* GDP khởi sắc qua từng quý
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024 ngày 6/1, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Hương cho hay, trong bối tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố rủi ro, nhất là trong những tháng đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét, tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý.
“Nhờ đó, Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới với mức dự báo tăng trưởng cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và được nâng dự báo vào những tháng cuối năm khi bối cảnh kinh tế dần ổn định hơn”, bà Hương cho biết.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024. Như vậy, nền kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I/2024 tăng 5,98%, quý II/2024 tăng 7,25%, quý III/2024 tăng 7,43%).
Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong quý IV và cả năm 2024, mặc dù, bị ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi như nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn và ảnh hưởng của bão Yagi nhưng hoạt sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn giữ được nhịp tăng trưởng ổn định, đạt 3,27%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp phục hồi tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023. Tuy nhiên có xu hướng tăng chậm lại so với các quý trước đó do sản xuất công nghiệp đã phục hồi vào những tháng cuối năm 2023.
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,36% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,97%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,48%, ngành cung cấp nước; quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,63% và ngành khai khoáng giảm chỉ đạt 93,5%
Tính chung năm 2024, sản xuất công nghiệp có bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng cao nhất từ 2020 đến nay mặc dù phần nào chịu thiệt hại do tác động của cơn bão Yagi. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,32%, cao hơn năm 2023 là 5,34 điểm phần trăm. Đặc biệt, sự kết hợp giữa phục hồi nhanh và yếu tố nền so sánh thấp của năm trước (3 quý đầu năm 2023 tăng trưởng thấp) đã tạo ra mức tăng trưởng cao cho toàn ngành công nghiệp trong năm 2024.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia cho biết: Kết quả này được hỗ trợ từ sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm. Các tập đoàn FDI lớn đầu tư vào Việt Nam, mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu thiết bị điện tử tăng trong bối cảnh chuyển đổi số. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi từ chính phủ khuyến khích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nước.
Cụ thể, ngành xây dựng đã có những chuyển biến tích cực, giá trị tăng thêm quý IV và cả năm 2024 tăng 8,33% và 7,87% (cao hơn năm 2023 0,6 điểm %). Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng; lãi suất ngân hàng giảm đã làm giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng trong quý IV/2024 tăng tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão, lũ nhằm khắc phục thiệt hại của cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão tại 26 tỉnh phía Bắc và cơn bão số 4 tại các tỉnh miền Trung trong tháng 9/2024. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang dần bước qua thời điểm khó khăn và ghi nhận sự chuyển biến từ đầu năm đến nay với các điểm nghẽn pháp lý đang dần được tháo gỡ, tạo điều kiện cho hoạt động xây dựng phát triển.
Cùng với đó, các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2024 tăng 7,38%, cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023.
Năm 2024, hoạt động thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến dần phát triển mạnh từ sau đại dịch COVID-19 cùng với sự phát triển của các nền tảng số; ứng dụng nền tảng số, trí tuệ nhân tạo đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng truyền thống, mở ra cơ hội bùng nổ về thương mại điện tử trong thời gian qua.
Xuất khẩu hàng hóa cũng là điểm nhấn quan trọng trong xu hướng tăng trưởng. Năm 2024, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 14,3%, được hỗ trợ lớn từ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, ASEAN phục hồi. CPI cả năm 2024 tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và xây dựng cũng cho biết: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng là điểm sáng, hỗ trợ cho phát triển sản xuất và xuất khẩu, là động lực góp phần vào tăng trưởng kinh tế năm 2024. Vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI năm 2024 tăng 10,6% so cùng kỳ, cao hơn rất nhiều mức tăng 5,4% năm 2023. Đầu tư có xu hướng tăng lên nhờ hoạt động xuất khẩu phục hồi và các nhà đầu tư lạc quan hơn trong đầu tư vào các dự án cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chia sẻ, đạt được kết quả trên, tăng trưởng kinh tế năm 2024 được hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi như: ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, áp dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài; Các chính sách kích cầu tiêu dùng, giảm, gia hạn thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong sản xuất và tiêu dùng.
Cùng với đó, hạ tầng giao thông và logistics đã có nhiều bước tiến lớn tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và kết nối các vùng miền. Hệ thống cảng biển, đường bộ, và đường sắt được nâng cấp, giúp giảm chi phí vận chuyển và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Những cải thiện này không chỉ hỗ trợ xuất khẩu mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng.
Việc ký kết thành công các hiệp định thương mại (FTA) từ những năm trước là tiền đề, cơ hội giúp xuất khẩu của Việt Nam vượt mục tiêu đặt ra, khẳng định vị thế của nước ta như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư và sản xuất. Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng, không chỉ tập trung vào một vài thị trường lớn mà còn mở rộng sang nhiều thị trường mới nổi…
Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thống kê đánh giá, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn: tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với sự bất ổn, khó suy đoán; xung đột Nga - Ukraine kéo dài, cộng thêm căng thẳng giữa Israel và khu vực Trung Đông gây áp lực giá nhiên liệu. Xu hướng bảo hộ mậu dịch, các cạnh tranh thương mại, cầu ngoại thương yếu cũng ảnh hưởng đến việc tiếp cận và mở rộng thị trường của Việt Nam.
Cùng với đó, lãi suất đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao và khó khăn tài chính ở nhiều doanh nghiệp ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Chính sách thắt chặt tín dụng và lãi suất vay vẫn cao khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động…
*Năm 2025, kinh tế sẽ tăng tốc và về đích
Mặc dù, kết quả tích cực của năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025 nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp như: Ngân hàng Nhà nước chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh.
Đồng thời, liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.
Bà Phí Thị Hương Nga cũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Triển khai thực hiện mạnh mẽ các quy hoạch tỉnh, vùng, ngành tạo động lực, năng lực mới cho phát triển kinh tế năm 2025.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ cho rằng, Chính phủ cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ cần thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững (ESG)…; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.
“Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định, Việt Nam cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đây là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tien-de-de-kinh-te-nam-2025-tang-toc-va-ve-dich/359293.html