Tiền đề để sản xuất nông nghiệp sạch
Sau khi cán đích nông thôn mới, các địa phương đã bắt tay vào xây dựng các thôn mẫu, vườn mẫu. Trong đó, các khu vườn kiểu mẫu được coi là tiền đề để sản xuất nông nghiệp sạch, khi một trong những tiêu chí trong xây dựng vườn mẫu nông thôn mới là sản phẩm từ vườn phải được các chứng nhận VietGAP, hữu cơ hoặc chứng nhận sản xuất an toàn tương đương.
Theo Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 21 vườn hộ gia đình được công nhận “vườn mẫu nông thôn mới”.
Huyện Hàm Yên đã rà soát những vườn có diện tích tối thiểu từ 1.000 m2 trở lên. Qua đó, lựa chọn được 5 vườn tại xã Đức Ninh, Tân Thành, Yên Phú, Bình Xa, Phù Lưu để xây dựng vườn mẫu nông thôn mới. Khu vườn trồng thanh long của ông Đỗ Đình Hân, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú hiện đã đạt 4/5 tiêu chí, còn 1 tiêu chí chưa đạt là quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Khu vực trồng thanh long của gia đình ông rộng gần 6 ha, được chăm sóc theo quy trình VietGAP và đã được chứng nhận VietGAP năm 2018. Mỗi năm, thu nhập từ vườn đạt trên 300 triệu đồng. Mặc dù giá bán cao hơn, từ 25 nghìn đồng/kg trở lên, nhưng ông Hân cho biết, sản phẩm thu hoạch đến đâu, thương lái đặt mua đến đó, do nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng hiện đang rất lớn.
Vườn thanh long gần 6 ha của gia đình ông Đỗ Đình Hân, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên)trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng.
Theo ông Vũ Tất Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên, các vườn được lựa chọn để xây dựng vườn mẫu ở Hàm Yên đều đạt mức thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên. Trong đó, vườn của ông Đỗ Đình Hân (Yên Phú) đạt 300 triệu đồng, vườn của ông Nông Văn Nghiệp, xã Phù Lưu đạt 500 triệu đồng; vườn của các ông Trần Văn Oanh, xã Tân Thành, Nguyễn Việt Phong, xã Đức Ninh đạt 700 triệu đồng và vườn của ông Vương Văn Quang, xã Bình Xa đạt 1,8 tỷ đồng/năm. Trong số này chỉ có vườn của ông Nguyễn Việt Phong sản phẩm chưa được chứng nhận VietGAP, còn lại các vườn này đều đã được chứng nhận.
Qua rà soát, Yên Sơn cũng đã lựa chọn được 28 mô hình để xây dựng vườn mẫu nông thôn mới. Trong đó, Thái Bình có 14 vườn, Phúc Ninh 8 vườn, Mỹ Bằng và Thắng Quân mỗi xã 3 vườn. Là người có công đưa cây bưởi về trồng, ông Nguyễn Văn Giàu, thôn Ao Dăm, xã Phúc Ninh hiện có gần 12 ha bưởi, mỗi năm nguồn thu từ bưởi của gia đình ông đạt trên 3 tỷ đồng. Toàn bộ sản phẩm của gia đình ông hiện đang được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Giàu dự định sẽ tiếp tục mua thêm đất để mở rộng diện tích trồng bưởi vì đây là cây trồng hiệu quả, khi sản phẩm đạt chất lượng sẽ cung cấp cho các siêu thị và tìm hướng xuất khẩu.
Ông Trần Văn Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình cho biết, do điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, nên việc lựa chọn các vườn tham gia xây dựng vườn mẫu nông thôn mới của huyện cũng khó khăn hơn. Qua rà soát, huyện đã lựa chọn được 2 vườn tại Thượng Lâm và Khuôn Hà. Các vườn này đã cơ bản đạt 3/5 tiêu chí, còn các tiêu chí về quy hoạch, sản phẩm từ vườn huyện đang tuyên truyền, vận động nhân dân, các hộ gia đình nâng cao nhận thức, chủ động tham gia thực hiện các tiêu chí vườn mẫu nông thôn mới, chú trọng, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập từ vườn theo hướng bền vững, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp và thân thiện.
Theo ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Chánh văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ khung tiêu chí vườn mẫu được chuẩn hóa thành 5 tiêu chí bao gồm việc tổ chức, quy hoạch, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo được sản phẩm hàng hóa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ngay trong chính các vườn hộ, góp phần tạo cảnh quan môi trường và thu nhập cho các hộ dân. Xây dựng vườn mẫu theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là cái đích mà nông dân trong tỉnh đang hướng đến, từ đó, đưa sản phẩm tiến xa hơn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, nâng cao đời sống người dân nông thôn, đồng nghĩa với việc nâng cấp nông thôn mới lên một tầm cao mới.