Tiền đề tốt cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt
Việc cấp giấy tờ cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt còn gặp trở ngại, song đều có thể giải quyết nếu làm bằng tất cả trái tim, trách nhiệm...
Ngày 21-11, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Công an TP HCM, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Công đoàn Viên chức TP HCM tổ chức tọa đàm "Thực trạng và giải pháp công tác cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký cư trú và thẻ căn cước cho trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt".
Làm bằng cả trái tim
Tại tọa đàm, các đại biểu lắng nghe câu chuyện xúc động và cách giải quyết linh hoạt, đầy tâm huyết từ chính quyền. Bà Ngô Thị Thanh Thúy, Phó trưởng Phòng Tư pháp quận Bình Thạnh, kể về một trường hợp trẻ có cha mẹ đi tù, phải ở với bà nội. Vì cha mẹ không có hôn thú nên không xác định được mối quan hệ giữa bé và bà nội, bé cũng thiếu giấy chứng sinh, đồng nghĩa với chưa có họ tên.
Trước tình huống này, quận phải liên hệ với bệnh viện nơi bé được sinh để trích lục giấy chứng sinh. Bên cạnh đó, phối hợp với công an phường cố gắng xác minh nơi cư trú của người thân bé rồi kết hợp các tài liệu để đăng ký tạm trú cho họ. "Khi đầy đủ điều kiện thứ nhất là giấy chứng sinh, thứ hai là nơi cư trú thì có thể tiến hành cấp giấy khai sinh cho trẻ" - bà Thanh Thúy nói.
Trường hợp trên là một trong không ít ví dụ về nguy cơ thiệt thòi trong cuộc sống. Các đại biểu nhìn nhận việc cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt là điểm nghẽn nhiều năm không chỉ ở TP HCM mà còn với nhiều tỉnh, thành.
TS Lê Văn Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM, nêu kết quả khảo sát tại 41 cơ sở xã hội ngoài công lập cho thấy nguyên nhân phổ biến không thể làm giấy tờ tùy thân cho trẻ là vì nhiều em không có giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh. Nhiều trường hợp, cha mẹ, người giám hộ hoặc chủ cơ sở xã hội chưa quan tâm đến việc làm giấy tờ cho trẻ. Điều đáng tiếc ấy khiến các em bị thiệt thòi, nhất là khi đăng ký đi học, tiếp cận dịch vụ y tế.
Về phía cơ quan chức năng, theo TS Nguyễn Mạnh Bình, nguyên Trưởng Khoa Luật - Học viện Cán bộ TP HCM, nhiều điều luật như Luật Trẻ em, Luật Thanh niên, Bộ Luật Hình sự còn mâu thuẫn nhau. Vì vậy, các công chức tư pháp rất vất vả khi xử lý những thủ tục giấy tờ liên quan.
Cái gốc để bảo vệ quyền trẻ em
Luôn trăn trở làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, dẫn một số nguyên nhân trẻ thiếu giấy tờ khác. Từ đó làm bật lên ý những giấy tờ này các em phải có và cơ quan chức năng cần giúp các em có sớm nhất có thể.
"Bảo vệ trẻ em dù ở giai đoạn hay lĩnh vực nào cũng rất quan trọng. Về mặt pháp lý, giấy tờ tùy thân là cái gốc để bảo vệ quyền trẻ em" - ông Nghinh nhấn mạnh.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cũng nhìn nhận điểm nghẽn trong cấp giấy tờ tùy thân cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ nhiều trẻ em bị bỏ lại phía sau. Theo ông, hiện hệ thống pháp luật về cư trú, hộ tịch đã có nhiều đổi mới, chuyển đổi số cũng mang lại tiền đề cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để bảo đảm quyền của trẻ em nên cấp giấy tờ cho trẻ chính là góp phần quản lý tốt xã hội.
Tại tọa đàm, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, khẳng định tọa đàm nhằm tìm ra các giải pháp thiết thực hỗ trợ nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời mở ra những hướng đi mới và giải pháp cụ thể thể hiện quyết tâm của chính quyền và các tổ chức xã hội trong việc cải thiện cuộc sống cho các em.
Bày tỏ niềm tin tất cả trường hợp đều có thể giải quyết được nếu làm bằng tất cả trái tim, trách nhiệm đối với trẻ em, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM đề nghị các đơn vị tiếp tục quan tâm, chủ động "ngồi lại với nhau" để giải quyết...
Giải quyết rốt ráo
TP HCM đang có 444 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương. Từ nỗ lực của cơ quan chức năng, đến nay chỉ còn 27 trường hợp tại 8 quận, huyện chưa được cấp giấy khai sinh.
Tại tọa đàm, 8 địa phương cam kết giải quyết 21 trường hợp trong năm nay, còn 6 trường hợp gặp vướng mắc pháp lý sẽ báo cáo cụ thể về Sở Tư pháp và Công an TPHCM chỉ đạo xử lý.
Ông Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP HCM, đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát, xử lý triệt để các trường hợp chưa được giải quyết, bảo đảm phối hợp chặt chẽ và hành động nhanh chóng để tránh tồn đọng hồ sơ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tien-de-tot-cho-tre-co-hoan-canh-dac-biet-196241121212348176.htm