Tiền điện nhà dân tăng chục lần mặc kệ: Thiếu trách nhiệm, trả giá đắt
Việc ghi nhầm hóa đơn tiền điện gấp hàng chục lần thực tế xảy ra ở một vài địa phương khiến ngành điện phải làm cuộc cách mạng chấn chỉnh lại công tác ghi số điện.
Ghi nhầm chỉ số là sự tắc trách
Tại buổi kiểm tra công tác ghi chỉ số lập hóa đơn tiền điện và giải quyết kiến nghị của khách hàng ngày 25/6, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhìn nhận: Các sự cố ghi nhầm số điện vừa qua ở Quảng Bình, Quảng Ninh, Nghệ An,... tập đoàn đánh giá là các sự cố cá nhân và đây là điều rất đáng tiếc.
Theo lãnh đạo EVN, những cán bộ, nhân viên điện lực liên quan đến việc ghi nhầm chỉ số “đang phải nhận các hình thức kỷ luật rất nặng”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN, cho hay, quá trình từ lúc ghi chỉ số, lập hóa đơn, phát hành hóa đơn, thông báo và khách hàng trả tiền điện đều độc lập. Người ghi số điện thì không tính hóa đơn, người lập hóa đơn không thu tiền điện,... Vì thế, ông Dũng cho rằng không ai được hưởng lợi để cố tình làm sai
Về một số trường hợp ghi sai chỉ số công tơ, dẫn tới tính nhầm tiền điện cho khách hàng vài chục triệu đồng tại Quảng Ninh, Quảng Bình, ông Nguyễn Quốc Dũng thừa nhận vẫn còn một số nhân viên chưa làm tròn trách nhiệm. EVN sẽ có những điều chỉnh để đảm bảo quy trình.
"Người đi ghi thì vậy, nhưng người ngồi ở văn phòng thấy tăng vài chục lần mà không phát hiện ra thì thiếu trách nhiệm", ông Dũng nói.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng: Khi hóa đơn tiền điện tăng cao, khách hàng thắc mắc là điều dễ hiểu. Quan trọng là khi đi kiểm tra, rà soát lại, nhân viên cần giải thích rõ ràng để khách hiểu.
Nói về việc xử lý các cán bộ ghi nhầm số điện, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Việc ngành điện đình chỉ công tác, kỷ luật cả Giám đốc điện lực địa phương chứ không phải chỉ nhân viên tôi nghĩ là đúng đắn. Việc nhầm lẫn hóa đơn tiền điện lên tới 90 triệu đồng là tắc trách quá, không được phép xảy ra điều như vậy".
Cách nào kiểm soát việc ghi hóa đơn?
Hiện nay, để đo được lượng điện sử dụng ở các hộ gia đình, ngành điện dùng hai loại công tơ. Đó là công tơ điện tử và công tơ cơ khí.
Với công tơ điện tử - hoàn toàn thu thập dữ liệu từ xa, chính xác 100%. “Toàn bộ quá trình đó nhân viên điện lực không can thiệp được vào kết quả”, đại diện EVN khẳng định. Còn với công tơ khí, công nhân điện lực phải đọc trực tiếp, chụp ảnh và ghi vào máy tính bảng, điều này có thể xảy ra sai sót.
Nếu việc lắp đặt công tơ điện tử được áp dụng trên diện rộng thì có thể giảm thiểu tối đa các sai sót trong quá trình ghi chỉ số điện. Tuy nhiên, do vấn đề tài chính nên lượng công tơ điện tử vẫn chưa được phủ rộng, thường tập trung ở các quận nội thành. Toàn tập đoàn EVN hiện vẫn sử dụng 48% công tơ cơ khí, 52% công tơ điện tử.
Ngay trên địa bàn Hà Nội, hiện còn 15% công tơ cơ khí. Đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết để giám sát việc ghi chỉ số điện công tơ cơ khí, EVN Hà Nội yêu cầu nhân viên ghi số phải dùng máy tính bảng chụp ảnh số điện trên công tơ vào ngày ghi chỉ số. Ảnh chụp được lưu trữ trên hệ thống của Điện lực Hà Nội, hiển thị rõ ngày giờ chụp và chỉ số cuối kỳ của công tơ. Khách hàng có thể xem các dữ liệu này, bao gồm ảnh chụp công tơ, lượng điện tiêu thụ từng tháng trên website Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN Hà Nội.
Để hạn chế tối đa sai sót trong việc ghi chỉ số điện, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, cho hay, tập đoàn sẽ tiếp tục kiện toàn ý thức tuân thủ công vụ đối với toàn cán bộ công nhân viên. Từ nay đến 2025, từng bước hiện đại hóa hệ thống đo đếm số điện cho người dân thông qua việc phủ rộng công tơ điện tử với chức năng đo xa.
“Chúng tôi cũng cảnh báo các cấp quản lý khi hóa đơn của người dân có chỉ số tiêu thụ tăng đột biến, tăng 100%, 200%, hay 300%, phải giám sát để phát hiện kịp thời, xử lý ngay trước khi cung cấp thông tin cho khách hàng”, ông Võ Quang Lâm chia sẻ.
Thông tin từ Bộ Công Thương, đến quý III/2020, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới sẽ được ban hành. Thời gian tới, Bộ này sẽ lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, EVN cũng xây dựng công cụ cho người dân giám sát trực tiếp kết quả, thông qua các website, các app chăm sóc khách hàng.
Vừa khiếu nại lên trung tâm chăm sóc khách hàng về hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi, ông Hà Văn Dũng (Thanh Xuân, Hà Nội), kể: "Gia đình tôi vẫn dùng các thiết bị như thường lệ, nhưng hóa đơn tiền điện lại tăng từ 470 số lên hơn 900 số. Tôi thấy bất bình thường vì tất cả thiết bị không thay đổi, thời gian dùng không thay đổi. Cho nên, tôi yêu cầu điện lực Thanh Xuân kiểm định lại công tơ điện. Nhân viên điện lực có xuống và mời đại diện gia đình đến trung tâm kiểm định ở 100 Trần Phú, Hà Đông. Kết quả kiểm định cho thấy đồng hồ không có vấn đề gì thì tôi cũng phải chấp nhận".
Dù cảm thấy chưa thỏa mãn lắm với kết quả kiểm định, nhưng ông Hà Văn Dũng chia sẻ: "Với tư cách người sử dụng điện, tôi không khẳng định bên nào đúng bên nào sai. Tôi có chứng kiến quá trình kiểm định ở 100 Trần Phú. Tôi nghĩ không cần thiết phải đem đồng hồ đi kiểm định thêm ở đơn bị kiểm định độc lập".
Tuy nhiên, với tư cách người dùng điện, ông Hà Văn Dũng kiến nghị xem lại biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cho phù hợp bởi vì người dân “phản đối rất nhiều việc này”.
"Có những trường hợp, tôi trực tiếp gặp khách hàng để giải đáp thắc mắc. Hiện chưa có khách hàng nào chúng tôi đến tận nơi giải quyết mà gửi đơn lên cấp trên", ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Xuân, cho biết. Khi khách hàng phản ánh hóa đơn điện tăng cao, công ty lập tổ giải quyết kiến nghị, trả lời khách hàng trong vòng 24 giờ. Theo quy trình, khi khách hàng có số điện vượt quá 30%, phía điện lực đều phải phúc tra. Trong tháng 6, Điện lực Thanh Xuân đã phúc tra 63.635 công tơ, cao gấp 23,3 lần so với tháng 5 và cao hơn rất nhiều so với các tháng trước.