Tiền điện tăng đột biến: Trách nhiệm vẫn ở... người theo dõi chỉ số
Mặc dù nhiều gia đình có tiền điện tăng đột biến đã được xử lý thỏa đáng, nhưng vẫn có trường hợp tiền điện tăng thêm từ 4-6,8 triệu đồng trong tháng 6.
Trong 2 tháng qua, tại điện lực Bắc Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk) đã có 32 hộ phát sinh tiền điện đột biến. Hầu hết các trường hợp này đã được điện lực Đăk Lăk phát hiện xử lý thỏa đáng. Tuy vậy vẫn có những trường hợp tiền điện tăng thêm từ 4-6,8 triệu đồng trong tháng 6.
Một trong những trường hợp tiền điện tăng đột biến ở Buôn Ma Thuột là gia đình anh Võ Đức Thiện, số nhà 54, đường Nơ Trang Gưh, phường Tân Tiến. Anh Thiện cho biết, máy bơm nước của gia đình để chế độ tự động, khi bị chập cháy thì không biết. Rất may, nhân viên điện lực đã kịp thời phát hiện sự cố, nhưng tiền điện nhà anh đã tăng thêm vài trăm nghìn đồng.
“Lúc đó, tôi đang đi vắng, nhưng nhận được cuộc gọi của bên điện lực báo là sản lượng điện nhà mình đang tăng đột biến. Bên ngành điện có cử người đến kiểm tra cho gia đình thì phát hiện máy bơm bị chập cháy khiến điện dùng tăng mạnh”, anh Thiện nói.
Việc lượng điện tiêu dùng tăng bất thường của gia đình anh Thiện được phát hiện thông qua hệ thống thu thập dữ liệu từ xa (RF-Spider). Chị Nguyễn Thị Hoa, nhân viên phụ trách cập nhật dữ liệu và phát hành hóa đơn – Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột cho biết, từ tháng 5 đến nay, qua hệ thống này, đơn vị đã phát hiện 32 trường hợp khách hàng sử dụng điện tăng đột biến. Lý do là vào mùa mưa, giông sét, gây nhiều sự cố trên đường dây sau công tơ và thiết bị điện của các gia đình. Có những trường hợp phát hiện muộn, tiền điện tăng tới 6.800.000 đồng trong tháng 6/2020.
Theo chị Hoa, hệ thống RF-Spider hiện đại nhưng rất cần người vận hành phải tâm huyết theo dõi hàng ngày để kịp thời phát hiện bất thường, hạn chế thiệt hại cho khách hàng.
“Hệ thống này rất hữu ích, nhưng tôi nghĩ là trong quá trình làm việc thì người kiểm soát số liệu rất là quan trọng. Điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm quản lý khách hàng của mình, khu vực nào chủ yếu là cán bộ công nhân viên chức, khu vực nào thì hay bơm tưới, mùa nào bơm tưới nhiều… thì mình sẽ phát hiện ra bất thường. Thời điểm kiểm tra lý tưởng tốt nhất là vào buổi sáng và buổi chiều tùy theo từng khu vực”, chị Nguyễn Thị Hoa cho hay.
Bà Trương Thị Huệ, Phó Giám đốc Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột cho biết, khi phát hiện những bất thường trong việc dùng điện, đơn vị đã nhanh chóng phối hợp cùng khách hàng tìm nguyên nhân và đưa ra biện pháp xử lý.
“Những trường hợp này, điện lực đã kiểm tra bằng cách gọi điện hoặc phúc tra chỉ số để phát hiện kịp thời và phối hợp với khách hàng xử lý, tìm ra được nguyên nhân là do chạm chập đường dây phía sau công tơ hoặc do sự cố thiết bị trong nhà như mô-tơ điện, hoặc điện chạm chậm lên mái tôn… Điện lực cũng đã phối hợp xử lý cho khách hàng, đồng thời thực hiện hỗ trợ điều chỉnh giảm cho khách hàng một khoản tiền tương ứng với sản lượng điện bị chạm chập đó” bà Trương Thị Huệ cho biết.
Hệ thống thu thập dữ liệu tự động từ xa (RF-SPIDER) được hình thành bởi một mạng lưới các công tơ điện tử có thể kết nối với nhau thông qua sóng vô tuyến. Đến nay, toàn tỉnh Đăk Lăk đã lắp đặt công tơ điện tử cho 70% khách hàng.
Theo ông Tạ Minh, Phó Giám đốc Công ty điện lực Đăk Lăk, qua hệ thống RF-Spider, không chỉ ngành điện mà tự khách hàng cũng có thể theo dõi sản lượng điện tiêu thụ của gia đình bằng ứng dụng trên điện thoại di động. Điện lực Đăk Lăk đang tiếp tục đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị và tăng cường trách nhiệm của mỗi nhân viên để minh bạch việc kinh doanh.
“Còn 30% khách hàng chưa được áp dụng công tơ điện tử, chúng tôi sẽ tăng cường hơn trách nhiệm của các cá nhân trong công tác quản lý việc ghi chỉ số công tơ và phát hành hóa đơn tiền điện. Theo kế hoạch, trong năm 2021 – 2022, chúng tôi sẽ áp dụng công tơ điện tử cho 100% khách hàng”, ông Tạ Minh nói./.