Tiến độ di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch tại TP.HCM hiện ra sao?
Theo đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, đến hết quý 2/2023 đã bồi thường, di dời được 657/6.500 căn. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ bồi thường, di dời được 4.250/6.500 căn, đạt tỷ lệ 65% chỉ tiêu đề ra.
Chiều 16/11, tại họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM do UBND TP.HCM tổ chức. Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM Lý Thanh Long đã thông tin về tiến độ di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch.
Theo ông Lý Thanh Long thông tin, năm 2021, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành Quyết định 3837/QĐ-UBND về Kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, trong đó đã đặt ra chỉ tiêu di dời 6.500 căn.
Sau khi UBND TP.HCM ban hành quyết định, các ngành chức năng đã tập trung thực hiện các thủ tục về việc di dời các căn nhà trên và ven kênh rạch. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách, đến hết quý 2/2023 đã bồi thường, di dời được 657/6.500 căn. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ bồi thường, di dời được 4.250/6.500 căn, đạt tỷ lệ 65% chỉ tiêu đề ra.
Theo dự kiến, có 7 dự án hoàn thành công tác di dời trước ngày 30/4/2025. Đây là các công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Cũng theo đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, trọng tâm trong các dự án chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam là dự án rạch Xuyên Tâm (quy mô di dời 2.134 căn) đã được UBND TP.HCM phê duyệt dự án đầu tư. Bên cạnh đó, dự án Bờ Bắc kênh Đôi (1.017 căn) hiện đã được Sở Xây dựng báo cáo trình UBND TP.HCM phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư công vào kỳ họp cuối năm 2023.
Đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, từ năm 2020, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP không còn quy định về hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Hợp đồng BT); nhà đầu tư sẽ không được thanh toán bằng quỹ đất, mà chỉ có thể khai thác, kinh doanh trên phần diện tích đất sau khi đã di dời nhà trên và ven kênh rạch, nên không hấp dẫn trong việc mời gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.
Do đó, Quyết định 3837/QĐ-UBND không đề ra chỉ tiêu hoàn thành bồi thường, di dời của nhóm này mà giao các Sở ngành, quận huyện tập trung hoàn tất thủ tục điều chỉnh quy hoạch, chuẩn bị các bước để sớm đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư sau năm 2025.
Ngoài ra, Sở Xây dựng đã thành lập các Tổ công tác liên ngành (hoặc tham mưu UBND TP.HCM thành lập Tổ Công tác) để xử lý toàn diện các công việc liên quan đến các thủ tục thực hiện 3 tuyến rạch trên địa bàn Quận 7 và Dự án Bờ nam Kênh Đôi Quận 8. Trong thời gian tới, các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách sẽ sớm được triển khai thực hiện.
Cũng theo Sở Xây dựng, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện tại, Sở kiến nghị UBND TP.HCM quan tâm, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án sử dụng vốn ngân sách, để không chỉ thực hiện được mục tiêu của Kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025, mà còn thực hiện mục tiêu của Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải của Thành phố giai đoạn 2020 - 2030.
Đồng thời, giao Sở TN&MT - Thường trực Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hướng dẫn UBND quận – huyện. Cụ thể là Quận 6 xử lý, giải quyết dứt điểm 88 căn chưa di dời do khiếu nại về chính sách, đơn giá bồi thường của dự án kênh Hàng Bàng giai đoạn 2.
Cùng với đó, Sở Xây dựng TP.HCM đã xây dựng Đề án, trình UBND Thành phố giải pháp thí điểm cho tất cả các đối tượng là hộ gia đình đang có nhà trên và ven kênh rạch được thuê nhà ở xã hội (hoặc thuê mua tùy khả năng) để người dân ổn định cuộc sống. Sau khi Đề án được UBND TP.HMC thông qua, sẽ tạo điều kiện để UBND quận – huyện triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường của dự án.