Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm

ĐBP - Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngày 13/9/2021 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1669/QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác thực hiện rà soát, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công (gọi tắt Tổ công tác) trên địa bàn tỉnh.

Công nhân Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Mạnh Quân thi công các hạng mục Dự án Đường từ cầu A1 - C4.

Quyết liệt thúc đẩy tiến độ

Năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh được giao hơn 2.589 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách địa phương hơn 853 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương gần 1.736 tỷ đồng. Tổng số vốn đã phân bổ chi tiết hơn 2.089 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Tổ công tác (do Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực) đã rà soát, đánh giá, xác định những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân kế hoạch vốn. Trên cơ sở đó, phân loại và đề xuất giải pháp xử lý, nhất là đối với các dự án được giao kế hoạch vốn từ đầu năm 2021 nhưng chậm thực hiện.

Theo đó, Tổ công tác đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án chậm giải ngân, hết nhu cầu vốn cho các dự án khác có nhu cầu vốn, tiến độ giải ngân nhanh. Đơn cử dự án đường từ bản Phiêng Hoa vào khu Á Lềnh do UBND huyện Tuần Giáo làm chủ đầu tư đã được phân bổ chi tiết 500 triệu đồng, Tổ công tác đề xuất, kiến nghị điều chuyển giảm toàn bộ kế hoạch vốn năm 2021, do vướng mắc về cơ chế chính sách, không được bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tương tự, dự án khu xử lý chất thải rắn xã Mường Báng do UBND huyện Tủa Chùa làm chủ đầu tư, với số vốn đã bố trí chi tiết 200 triệu đồng. Đến nay UBND huyện đã trình HĐND huyện phương án điều chuyển cho các dự án khác. Nguyên nhân là tổ chức triển khai chậm, xây dựng kế hoạch chưa sát thực tế…

Tổ công tác đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn kế hoạch năm 2021 cho các dự án khởi công mới ngay sau khi được Chính phủ giao; hoàn thiện các thủ tục đề xuất cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án còn lại chưa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn theo Quyết định 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021. Đồng thời chủ động kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, xử lý các khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền; một số đã triển khai xây dựng kế hoạch chi tiết, giao và gắn trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan về tiến độ giải ngân vốn. Các cơ quan chuyên môn đã chủ động đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ thanh toán kế hoạch vốn đã được bố trí; tham mưu tạm ứng kế hoạch vốn cho các dự án trọng điểm từ các nguồn vốn chưa sử dụng.

Cùng với hoạt động của Tổ công tác, các địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó nêu cao vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án; cụ thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân liên quan.

Tỷ lệ giải ngân vẫn chậm

Mặc dù triển khai đồng bộ các giải pháp, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến nay vẫn chậm. Tính đến ngày 15/10, tỷ lệ giải ngân vốn toàn tỉnh mới đạt 41,67% kế hoạch vốn Trung ương giao và đạt 51,64% kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết (thấp hơn mức bình quân cả nước). Một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn Trung ương (bao gồm vốn ODA) đạt thấp, như: Mường Nhé đạt 2,10%; TP. Điện Biên Phủ đạt 16,2%; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 31,71%... Một số đơn vị, địa phương chưa giải ngân được, như: Huyện Nậm Pồ; Sở Công Thương; Sở Y tế; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đối với nguồn vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021, tổng kế hoạch vốn được kéo dài là hơn 569 tỷ đồng; lũy kế số vốn đã giải ngân đạt 58,15%.

Việc giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19 bùng phát tại địa phương trong tháng 2 và tháng 5 vừa qua làm cho tiến độ thi công nhiều dự án bị chậm. Trong khi từ đầu năm đến nay, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao đã ảnh hưởng việc huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu, nhiều nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng đợi giá vật liệu giảm; một số dự án do vướng mắc trong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Song bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu: Công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, sự lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số địa phương, đơn vị còn thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể. Công tác chuẩn bị dự án còn sơ sài, chất lượng kém nên vướng mắc khi triển khai; việc phân bổ vốn còn dàn trải, thiếu tập trung, lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế; công tác thẩm định, tư vấn còn chậm…

Tính đến hết tháng 9/2021, toàn tỉnh có 33 dự án đã được bố trí vốn chi tiết nhưng có tỷ lệ giải ngân dưới 40% hoặc chưa giải ngân. Cụ thể, tổng số vốn chi tiết đã bố trí cho 33 dự án là hơn 302,3 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án chưa giải ngân như: Dự án xây dựng Trường Tiểu học Lay Nưa, TX. Mường Lay; Trường THPT Lương Thế Vinh; nâng cấp tuyến đường Tả Huổi Tráng - Đề Chu, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa)… Ngoài ra, số vốn thuộc các dự án khởi công mới năm 2021 chưa đủ điều kiện phân bổ chi tiết hơn 825 tỷ đồng, chiếm 31,88% tổng số vốn giao, đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn. Cùng với đó, tỷ lệ vốn được phân bổ chi tiết nhưng chưa được phép giải ngân và chưa được trung ương chuyển nguồn (tính đến hết tháng 9) chiếm hơn 404 tỷ đồng. Trong đó, Đề án 79 ở Mường Nhé và dự án tái định cư Thủy điện Sơn La (giai đoạn 1) phải thực hiện các thủ tục cho phép kéo dài thời gian thực hiện và phân khai dự án thành phần mới được giao vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và được phép tiếp tục giải ngân. Đối với các nguồn vốn ODA (Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, TP. Điện Biên Phủ) đang thực hiện các thủ tục gia hạn hiệp định vay vốn; mặt khác kế hoạch vốn năm 2021 chưa được trung ương chuyển nguồn (179 tỷ đồng) nên chưa thể giải ngân.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các chủ đầu tư cần lập kế hoạch giải ngân của từng dự án; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, đôn đốc, báo cáo kịp thời để tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 theo phân cấp. Tiếp tục rà soát, tổng hợp và phân loại theo từng nhóm khó khăn vướng mắc để đưa ra phương hướng xử lý; yêu cầu các chủ đầu tư sàng lọc các nhà thầu tư vấn, thi công triển khai chậm, năng lực yếu, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm điều khoản hợp đồng. Các chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, thi công các dự án mới được giao kế hoạch vốn. Đẩy nhanh tiên độ lập, thẩm định kế hoạch các bước của dự án; đảm bảo điều kiện khởi công ngay sau khi được giao kế hoạch vốn đối với các dự án được giao kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư dự kiến khởi công mới năm 2022.

Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/191677/tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong-van-cham