Tiến độ thực hiện gói kích thích kinh tế sẽ được đánh giá để xếp loại cá nhân người đứng đầu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 252/CĐ-TTg đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Công điện nêu rõ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hay còn gọi là gói kích thích kinh tế, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết số 11/NQ-CP), Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022.

Thủ tướng đôn đốc các bộ, ngành triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng đôn đốc các bộ, ngành triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Trong tháng 3/2022, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý dứt điểm một số nhiệm vụ như chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hoàn thiện danh mục nhiệm vụ, dự án và phương án bố trí vốn trong 2 năm 2022-2023 và từng năm 2022, 2023 của Chương trình, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công của Chương trình trong năm 2022-2023, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, nhanh chóng ban hành hướng dẫn các bộ, cơ quan xem xét, quyết định các trường hợp chỉ định thầu thuộc thẩm quyền của các bộ, cơ quan đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội trước ngày 20/3/2022.

Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đã nêu ra khó khăn trong quá trình thực hiện nhóm giải pháp đầu tư công, do liên quan đến nhiều dự án cũng như trình tự, thủ tục về việc phê duyệt các dự án. Nguyên nhân chính là gói đầu tư công liên quan đến rất nhiều các bộ, ngành, địa phương có tiến độ thực hiện rất khác nhau, thường có sự chờ đợi lẫn nhau.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đã có ý kiến đề xuất Chính phủ về việc chỉ đạo trong thời gian tới theo hướng có thể cho các bộ, ngành, địa phương nào xong trước thì tổng hợp, trình Thủ tướng; bộ, ngành nào hoàn thiện sau thì trình sau.

Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu như sắt thép, xi măng... đội lên cao, đây cũng sẽ là thách thức trong việc triển khai các dự án đầu tư công trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, trong tháng 3, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy nhanh phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghị định về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022...

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tinh thần khẩn trương thực hiện các giải pháp trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phải được triển khai từ tất cả các cấp, các ngành, đến từng người trực tiếp thực thi chứ không chỉ có cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trước hết, yêu cầu lớn nhất hiện nay là các bộ, ngành phải kịp thời thể chế hóa ban hành các quy định hướng dẫn để đưa các chính sách vào thực tế.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tien-do-thuc-hien-goi-kich-thich-kinh-te-se-duoc-danh-gia-de-xep-loai-ca-nhan-nguoi-dung-dau-1084289.html