Tiền đổ về, vốn hóa doanh nghiệp nữ tổng giám đốc 71 tuổi vượt 150 nghìn tỷ đồng
Cùng với đà phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam, giá trị vốn hóa doanh nghiệp do nữ đại gia 71 tuổi giữ vị trí Tổng giám đốc cũng vượt mốc 150 nghìn tỷ đồng.
Sau phiên giảm hơn 48 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự phục hồi trong phiên giao dịch ngày 6/8. Kết phiên, chỉ số VN-Index tăng 22,21 điểm để đóng cửa ở mốc 1.210,28 điểm. Thanh khoản sàn HoSE ghi nhận hơn 16.356 tỷ đồng, giảm hơn 7.400 tỷ so với phiên 5/8.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index ghi nhận mức tăng 3,75 điểm để đóng cửa ở mức 226,46 điểm. Chỉ số Upcom-Index tăng 1,43 điểm để đóng cửa ở mốc 92,22 điểm.
Cùng với đà phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam mã cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam do nữ đại gia Mai Kiều Liên giữ vị trí Tổng giám đốc có phiên giao dịch tích cực ghi nhận mức tăng 3.300đ/cổ phiếu, tương đương mức tăng 4,76% so với phiên liền trước để đóng cửa ở mức 72.700đ/cổ phiếu. Cùng với đà tăng về thị giá, thanh khoản của VNM cũng tăng so với phiên liền trước với gần 13,5 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay với giá trị giao dịch hơn 970 tỷ đồng. Khối lượng cổ phiếu được các nhà đầu tư mua chủ động hơn 8,25 triệu cổ phiếu. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng hơn 203 tỷ đồng.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu VNM không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông, mức tăng này cũng giúp vốn hóa thị trường của VNM vượt 151.939 tỷ đồng. Trong đó, với việc đang trực tiếp nắm giữ hơn 6,4 triệu cổ phiếu VNM, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản trên sàn chứng khoán trị giá hơn 465 tỷ đồng.
Cổ phiếu VNM do bà Mai Kiều Liên giữ vị trí Tổng giám đốc lập đỉnh mới sau gần 5 tháng
Cổ phiếu VNM tăng mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2/2024. Theo BCTC hợp nhất quý 2/2024, doanh thu thuần VNM đạt 16,655 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, thiết lập mức doanh thu theo quý cao nhất lịch sử 47 năm hoạt động của doanh nghiệp ngành sữa này. Con số này cũng cao hơn gần 3% so với mức đỉnh doanh thu gần nhất được thiết lập hồi quý 3/2021 (16.194 tỷ đồng). Lợi nhuận ròng đạt 2,671 tỷ đồng, tăng 21%. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này duy trì mức tăng trưởng lãi ròng trên 15%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Vinamilk ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 30.790 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.903 tỷ đồng, tăng lần lượt 5,6% và 18,6% so với nửa đầu năm 2023, tương ứng hoàn thành 48,7% kế hoạch doanh thu và 52,3% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nay. Tính đến ngày 30/6/2024, quy mô tài sản của Vinamilk đạt 54.194 tỷ đồng, tăng gần 3% so với thời điểm đầu năm.
Sau phiên phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 7/8, chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap dự báo chỉ số sẽ gặp trở ngại từ đầu phiên khi đã đóng cửa quanh kháng cự trong phiên hôm 6/8 (1.210-1.220 điểm). Các cổ phiếu HOSE khó có thể thoát khỏi áp lực bán quanh vùng này trong ngắn hạn và rung lắc trong phiên sẽ xuất hiện với ngưỡng hỗ trợ là 1.185 điểm. Để có tín hiệu tạo đáy tin cậy, VN-Index cần duy trì dao động quanh đường MA200 (1.200 điểm) và ngưỡng 1.170 điểm không bị vi phạm. Khả năng phá vỡ 1.170 điểm vẫn đang thấp khi trên 50% cổ phiếu thuộc rổ VN30 chưa vi phạm MA200.
Chuyên gia công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà hồi và vùng kháng cự gần nhất của chỉ số VN-Index là 1.240 điểm. Lực cung dự kiến sẽ tăng dần và thử thách lượng cổ phiếu giá thấp cho nên thị trường có thể sẽ còn giằng co gần vùng 1.200 – 1.210 điểm. Điểm tích cực hiện nay là các chỉ số chính và cổ phiếu đang hình thành mô hình đảo chiều tăng giá, cùng với đó mức định giá thấp trong ngắn hạn là cơ sở kỳ vọng về vùng đáy ngắn hạn của thị trường.
Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và không nên bán ra giai đoạn này. Nếu nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao thì vẫn có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp.
Chuyên gia công ty chứng khoán Asean nhận định thị trường tạm thời có sự cân bằng nhờ sự tích cực trở lại từ liên thị trường, diễn biến thể hiện nổ lực hồi phục và đồng pha với thế giới. Thị trường đang duy trì trong vùng quá bán nên việc hồi phục là dễ hiểu, tuy nhiên diễn biến mua chưa thực sự quyết liệt cho thấy vùng giá hiện tại chưa hẳn là vùng định giá đủ hấp dẫn. Đà lan tỏa tốt nhưng không mạnh, do đó, trạng thái thận trọng vẫn được ưu tiên và nhà đầu tư tránh mua đuổi và chỉ tạm quan sát thị trường, duy trì tỷ trọng ở mức trung bình thấp và chờ thị trường xác lập đáy.
Theo Chứng khoán KB Việt Nam, tâm lý thị trường đã tạm bình ổn trở lại sau phiên bán tháo. Mặc dù vậy, việc xuất hiện phiên bật tăng khi chỉ số chưa về nền đỡ bên dưới cùng với áp lực cung giá cao còn tiềm ẩn khá lớn khiến rủi ro sớm quay đầu điều chỉnh đang ở mức cao. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục ưu tiên hạ tỷ trọng danh mục về mức thấp trong các nhịp hồi sớm.