Tiền Giang: 100 % đội tàu đánh bắt xa bờ lắp thiết bị giám sát hành trình
Việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Các địa phương đã xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp nghề biển hội nhập và phát triển một cách bền vững.
Tiền Giang nằm ở hạ lưu sông Tiền, có bờ biển dài 21 km, án ngữ các cửa sông lớn: Soài Rạp (trên sông Soài Rạp), Cửa Tiểu và Cửa Đại (trên sông Tiền). Tại đây, nghề khai thác thủy sản truyền thống phát triển khá mạnh giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động, chủ yếu đánh bắt xa bờ và hàng năm đạt sản lượng khai thác từ 120.000 - 130.000 tấn hải sản các loại.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, trong các năm qua, việc chống khai thác IUU được địa phương hết sức chú trọng. Các địa phương xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp nghề biển hội nhập và phát triển một cách bền vững.
Tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo IUU do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm thường trực, phát huy vai trò chống khai thác IUU thông qua những giải pháp tích cực. Cụ thể là tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân về chống khai thác IUU; lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình cho đội tàu đánh bắt xa bờ, kiểm tra và giám sát chặt chẽ sự tuân thủ của ngư dân, trong khi hành nghề tuyệt đối không xâm phạm lãnh hải nước ngoài....
Trong năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cùng các ngành, địa phương tổ chức 36 cuộc tuyên truyền thu hút hàng nghìn lượt ngư phủ và chủ tàu; cấp phát 1.080 tài liệu tuyên truyền các chủ trương, chính sách, chỉ thị và quy định về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, việc lắp đặt, vận hành và quản lý thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá được đặc biệt quan tâm. Tính đến ngày 15/9/2021, toàn tỉnh có 961/961 tàu cá đang hoạt động khơi xa đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 100%. Còn lại 125 tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đều diện tàu tạm ngưng hoạt động hoặc hư hỏng nặng chủ tàu chưa có khả năng sửa chữa để hoạt động trở lại.
Trường hợp tàu cá mất kết nối hoặc vượt ranh giới trên biển trong khi hành nghề đánh bắt khơi xa cũng được xử lý nghiêm. Tiền Giang ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu giám sát tàu cá; xử lý dữ liệu giám sát tàu cá đối với tàu cá có chiều dài từ 15 - 24m. Đối với tàu cá vi phạm, tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức họp kiểm điểm chủ tàu và thuyền trưởng trước dân, buộc ký cam kết không tái phạm.
Đồng thời, Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang theo dõi, phối hợp với các địa phương và các công ty cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên địa bàn tỉnh xác định nguyên nhân mất tín hiệu kết nối ngoài khơi trên 10 ngày của thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá đối với từng trường hợp cụ thể làm cơ sở xử lý nếu cố tình vi phạm.
Từ năm 2020 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang thực hiện hàng chục cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra 1.484 lượt tàu cá. Qua đó, lập 33 biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt 250,5 triệu đồng đối với 33 cá nhân vi phạm hành chính liên quan chống khai thác IUU.
Trong năm 2021, các địa phương họp kiểm điểm chủ tàu và thuyền trưởng trước dân, buộc ký cam kết không vi phạm đối với 74 tàu mất kết nối trên biển trên 10 ngày và 28 tàu vượt ranh giới cho phép trên biển.
Ngoài ra, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1,8 tỷ đồng đối với doanh nghiệp tư nhân do ông Nguyễn Thành Long ngụ tại phường 7, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang làm chủ có 2 tàu bị bắt giữ do vi phạm vùng biển nước ngoài.
Nhờ những biện pháp quyết liệt trên, đến nay, việc chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng tàu cá của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ giảm rõ rệt. Nếu năm 2017 là 12 tàu thì đến năm 2021 chỉ còn 1 tàu. Sắp tới, Tiền Giang tiếp tục những nỗ lực tháo gỡ "thẻ vàng" IUU nhằm giúp nghề biển tại địa phương hội nhập và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết, ngành tiếp tục tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, phối hợp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến chống khai thác IUU theo nội dung Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá; Ban Quản lý Cảng cá trong việc giám sát sản lượng tàu cá cập cảng; kiểm tra, kiểm soát tốt các tàu cá cập, rời cảng, hướng dẫn thuyền trưởng ghi chép nhật ký và thực hiện các quy định về chống khai thác IUU; làm tốt việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác...
Ngoài ra, ngành cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho tất cả các chủ tàu, các thuyền trưởng nắm rõ Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định về chống khai thác IUU; nắm rõ phạm vi vùng biển Việt Nam, kể cả các vùng biển chồng lấn chưa phân định để không vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình khai thác hải sản cũng như ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, địa phương và các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến công tác chống khai thác IUU, đặc biệt là hành vi cố tình làm mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển, hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài với mục đích khai thác hải sản...
Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng mới Cảng cá Mỹ Tho bằng nguồn vốn của tỉnh và nâng cấp Cảng cá Vàm Láng bằng nguồn vốn vay ADB để hai cảng cá trên đáp ứng các tiêu chí cảng cá loại I, phát huy vai trò đảm bảo hậu cần nghề cá. Từ đó, thiết thực làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển khơi xa, khai thác nguồn lợi biển làm giàu căn cơ trong giai đoạn mới của đất nước./.