Tiền Giang: Ban hành chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Ngày 19-7-2024, Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Nghị quyết 03/2024/ND-HĐND Quy định tiêu chí thành lập Tổ, tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Đối tượng áp dụng: Người tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tiêu chí thành lập Tổ: Mỗi ấp, khu phố thuộc địa bàn xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được thành lập 1 Tổ.

Tiêu chí về số lượng thành viên Tổ: Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và các Tổ viên, tiêu chí về số lượng thành viên Tổ được quy định như sau:

Tổ ở ấp: Tổ có từ 3-5 thành viên. Riêng đối với các ấp có quy mô dân số trên 700 hộ, có đặc điểm địa lý bị chia cắt với đất liền, thuộc xã đảo, có khu - cụm công nghiệp, thuộc xã trọng điểm về quốc phòng có thể bố trí nhiều hơn nhưng không quá 7 thành viên.

Tổ ở khu phố: Tổ ở khu phố có từ 5-7 thành viên. Riêng đối với các khu phố có quy mô dân số trên 800 hộ, có đặc điểm địa lý bị chia cắt với đất liền, có khu-cụm công nghiệp, thuộc phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng có thể bố trí nhiều hơn nhưng không quá 9 thành viên.

Mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, mức bồi dưỡng khi làm nhiệm vụ: Mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng: Tổ trưởng: 2.340.000 đồng/người/tháng; Tổ phó: 1.638.000đồng/người/tháng; Tổ viên: 1.170.000 đồng/người/tháng.

Mức bồi dưỡng khi làm nhiệm vụ: Người tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bồi dưỡng khi làm nhiệm vụ theo mức quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh trong các trường hợp:

Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức bồi dưỡng 130.000 đồng/người/ngày.

Khi làm nhiệm vụ tại xã đảo, đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức bồi dưỡng tăng thêm 20.000 đồng/người/ngày.

Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Hàng tháng, người tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hỗ trợ 50% trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Trường hợp người tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thuộc đối tượng được Nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được hưởng một mức hỗ trợ cao nhất. Hàng năm, người tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế.

Mức hỗ trợ đối với người tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ: Hỗ trợ thanh toán chi phí khám chữa bệnh tương đương quyền lợi hưởng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của người tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tham gia bảo hiểm y tế. Hỗ trợ 112.000 đồng/người/ngày tiền ăn hàng ngày trong thời gian điều trị, kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi ổn định sức khỏe ra viện.

Mức hỗ trợ đối với người tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn, chết khi thực hiện nhiệm vụ:

Người tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nếu chưa tham gia bảo hiểm xã hội mà bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp một lần theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí. Cụ thể:

Bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động: Người tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% thì được hưởng trợ cấp một lần bằng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 01% thì được hưởng thêm 0.5 lần mức lương cơ sở.

Trường hợp bị tai nạn dẫn đến chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí như người tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Về trang bị trang phục: Trang bị lần đầu: Người tham gia Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đảm bảo trang bị trang phục lần đầu đúng bằng với danh mục và tiêu chuẩn trang bị lần đầu được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2024/NĐ-CP ngày 16-4-2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trang bị những năm tiếp theo: Trên cơ sở danh mục, tiêu chuẩn, niên hạn của trang phục, hàng năm Công an cấp xã lập danh mục, số lượng cần trang bị trình Ủy ban nhân dân cùng cấp đảm bảo trang bị theo danh mục quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2024/NĐ-CP.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1-8-2024.

P.V

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202407/tien-giang-ban-hanh-che-do-ho-tro-boi-duong-bao-dam-dieu-kien-hoat-dong-doi-voi-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-1017049/