Tiền Giang, Bến Tre xử lý nghiêm tàu cá vi phạm, nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' IUU
Chống khai thác hải sản bất hợp pháp là vấn đề mà chính quyền và ngư dân các tỉnh có biển như Tiền Giang, Bến Tre đã nhận thức rõ và quyết tâm thực hiện, khẩn trương khắc phục những mặt tồn tại, sớm tháo nút thắt để gỡ 'thẻ vàng' của EC.
Tiền Giang và Bến Tre là 2 địa phương tiếp giáp với biển, có nghề đánh bắt thủy sản lâu đời, gắn liền với cuộc sống một bộ phận lớn ngư dân. Để đảm bảo nghề khai thác biển ổn định, hòa nhập tình hình khu vực và thế giới, vấn đề chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) là vấn đề đặt ra cấp thiết.
Tỉnh Tiền Giang có đoàn tàu khai thác biển gần 1.500 chiếc, thu hút trên 10.000 ngư phủ, thuyền viên, chủ yếu đánh bắt xa bờ. Thời gian qua, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) được các cấp chính quyền, các ngành chức năng và ngư dân địa phương đặc biệt quan tâm. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân thực hiện tốt các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định như: lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá, kiểm tra và giám sát kịp thời phát hiện ngăn chặn tình trạng tàu cá có nguy cơ xâm phạm lãnh hải nước ngoài...
Chỉ trong 9 tháng qua, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức gần 40 cuộc tuyên truyền, cấp phát hơn 1.000 tài liệu tuyên truyền có liên quan đến các chủ trương, chính sách, chỉ thị và quy định về chống khai thác hải sản trái phép - IUU. Riêng việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã có 100% tàu cá hoạt động xa bờ đều được lắp đặt thiết bị này.
Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 164 Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu giám sát tàu cá; xử lý dữ liệu giám sát tàu cá đối với tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m. Đối với tàu cá vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm khắc, chính quyền địa phương sẽ tổ chức họp kiểm điểm chủ tàu và thuyền trưởng trước dân, buộc ký cam kết không tái phạm. Các trường hợp cố tình làm mất tín hiệu kết nối ngoài khơi trên 10 ngày để “né” tránh sự giám sát của cơ quan chức năng cũng bị xử lý kiên quyết.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ có 1 phương tiện của ngư dân ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông vi phạm lãnh hải, bị phát hiện, xử lý. Riêng các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang đã kịp thời phát hiện hơn 80 trường hợp tàu cá mất kết nối qua thiết bị giám sát hành trình. Các trường hợp này đều tiến hành kiểm điểm chủ tàu và buộc cam kết không tái phạm. Nhờ vậy mà hiện nay số phương tiện khai thác biển vi phạm về IUU giảm nhiều.
Ông Nguyễn Văn Toàn chủ 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ Minh Đoàn tại Thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay ngư dân địa phương rất ý thức và chấp hành tốt các quy định về IUU. Hơn ai hết, chủ tàu phải thường xuyên kiểm tra, giám sát biết rõ phương tiện hoạt động ở khu vực nào, tuyệt đối không vi phạm vấn đề lãnh hải.
Tiền Giang có 2 cảng cá là Mỹ Tho và Vàm Láng. Ban Quản lý Cảng cá đã tích cực phân công lực lượng thường xuyên trong việc giám sát, kiểm tra số tàu cá cập cảng, rời cảng; đặc biệt là việc thực hiện ghi chép nhật ký và thực hiện các quy định về chống khai thác IUU. Đến nay, việc ra vào cảng bốc xếp hàng hóa được chủ các phương tiện thực hiện đúng quy định.
Ông Huỳnh Thanh Phong, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Tiền Giang chia sẻ: “Thực hiện theo Thông tư 21-TT 13 của Bộ NN-PTNT, tàu khi trước khi cập cảng phải báo trước một giờ. Mình phải kiểm tra trước khi tàu cập cảnh bốc dỡ, xong rồi giám sát sản lượng và đối chiếu với giám sát hành trình... Nói chung là xem xét tất cả các nội dung đúng quy định của khai thác IUU. Tàu đảm bảo cho bốc hàng, xong rồi đối chiếu với nhật ký khai thác, nếu khớp thì làm hồ sơ giám sát, làm biên bản tàu cập cảng, rời cảng. Trước đây họ thực hiện chưa tốt, từ năm 2019 đến nay qua nhiều lần hướng dẫn, chấn chỉnh, ngư dân thực hiện tương đối tốt”.
Để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chủ động khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC), các tàu cá đang hoạt động trên biển của tỉnh Bến Tre đã hoàn thành lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình đạt gần 99% so với tổng tàu cá thuộc diện bắt buộc phải có thiết bị này. Các trường hợp còn lại ngưng hoạt động hoặc đang sửa chữa...
Đi đôi với đó, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương có tàu cá tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chủ tàu thực hiện nghiêm các quy định trong và ngoài nước như quy định Luật Thủy sản năm 2017, Chỉ thị 689 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, buộc chủ tàu cam kết không để thuyền trưởng, thuyền viên đi trên tàu của mình vi phạm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có hơn 3.800 phương tiện khai thác hải sản tập trung ở 3 huyện: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú; trong đó có trên 2.100 phương tiện khai thác xa bờ. Qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ và áp dụng các biện pháp chế tài nên việc chấp hành các quy định về IUU của ngư dân được nâng lên rõ rệt. Thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác biển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về lãnh hải. Trong 9 tháng qua, Bến Tre xử phạt vi phạm lĩnh vực này với số tiền 3,2 tỷ đồng.
Để tăng cường công tác quản lý đoàn tàu cá, UBND tỉnh Bến Tre thành lập 2 Tổ chuyên trách giám sát tàu cá thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Hai tổ này chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi, xử lý đối với tàu khai thác vi phạm về vùng, tuyến khai thác; mất tín hiệu giám sát; các hành vi liên quan quản lý, sử dụng thiết bị giám sát. Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre xây dựng cơ chế phối hợp với các tỉnh có liên quan trong quản lý tàu cá của tỉnh hoạt động; ban hành nghị quyết hỗ trợ ngư dân một phần cước phí thuê bao thiết bị giám sát tàu cá trong hai năm.
“Tỉnh Bến Tre đang tập trung công tác tuyên truyền, vận động chiều sâu đến các ngư dân đánh bắt gần đến ranh giới hoặc các tàu thường xuyên hay bị mất kết nối thiết bị giám sát hành trình. Cùng với đó là xử lý nghiêm các trường hợp tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu mất kết nối thiết bị giám sát hành trình. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã cam kết với Chính phủ quyết tâm tỉnh không còn tàu vi phạm vùng biển nước ngoài" - ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết thêm.
Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) không chỉ là trách nhiệm mà là nghĩa vụ bắt buộc của người tham gia hoạt động đánh bắt hải sản trên biển. Đây là vấn đề mà chính quyền và ngư dân các tỉnh có biển như Tiền Giang, Bến Tre đã nhận thức rõ và quyết tâm thực hiện, khẩn trương khắc phục những mặt tồn tại, sớm tháo nút thắt để gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), góp phần đưa ngành khai thác hải sản nước ta phát triển ổn định, bền vững./.