Tiền Giang cải thiện, nâng cao chất lượng sầu riêng xuất khẩu

Cần sớm cải thiện và nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, 'nói không' với chất cấm (cadimi) đây là vấn đề đặt ra tại buổi làm việc giữa Bộ nông nghiệp- Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh Tiền Giang ngày hôm nay 7/1.

Câu chuyện “nóng” khi trái sầu riêng có giá trị rất cao, xuất khẩu thu ngoại tệ lớn nhưng chất lượng chưa ổn định cần khắc phục.

Tiền Giang có diện tích cây sầu riêng khá lớn trong cả nước với hơn 24.500ha, sản lượng đạt hơn 457.890 tấn. Trái cây này đã được cấp 155 mã số vùng trồng, 66 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy sầu riêng là loại trái cây có diện tích, năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất tỉnh Tiền Giang nhưng thời gian qua chất lượng chưa ổn định, nhiều lô hàng nhiễm kim loại nặng (cadimi) bị cảnh báo.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp-PTNT làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp-PTNT làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang

Qua lấy mẫu của các cơ quan chuyên môn, bước đầu chưa xác định nguồn nhiễm này từ đâu; trong đó đã loại trừ nguồn nhiễm từ nước, thuốc BTVT, mẫu trái cây và đang tiếp tục làm rõ. Theo UBND tỉnh Tiền Giang việc quản lý chất lượng trái sầu riêng phục vụ xuất khẩu ở địa phương gặp khó khăn. Tại địa bàn có rất nhiều doanh nghiệp thu gom trái sầu riêng từ các khu vực khác.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận: “Phương pháp, giải pháp để ngăn chặn, hầu như bị động, lúng túng, ngay cả ngành nông nghiệp cũng vậy. Việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý chất cadimi hiệu quả không cao. Cho nên phải phối hợp từ chính quyền, người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học mới có thể có giải pháp tổng thể để xử lý cái này”.

Các ngành chức năng, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Tiền Giang và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh việc trồng, chăm sóc cây sầu riêng, quản lý, mua bán trái sầu riêng để làm sao mặt hàng này được kiểm soát tốt; khắc phục triệt để tình trạng 55 mã số vùng trồng và 44 cơ sở đóng gói sầu riêng của địa phương này bị tạm dừng xuất khẩu. Trong đó cần đặt ra việc quản lý tốt tất cả các dự lượng hóa học có liên quan phân bón; quản lý mã số vùng trồng cơ sở đóng gói chặt chẽ và không loại trừ các trường hợp“ gian lận” các giấy tờ liên quan đến việc xuất khẩu trái cây.

Thương lái thu gom mua trái sầu riêng của nhà vườn tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

Thương lái thu gom mua trái sầu riêng của nhà vườn tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

Theo ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu trái sầu riêng ở nước ta ngày càng tăng. Năm 2023 trái sầu riêng xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD, năm 2024 đạt gần 3,5 tỷ USD. Đối với trái sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang đã vi phạm nhiều về kim loại nặng nên Bộ Nông nghiệp- PTNT sẽ cùng địa phương khẩn trương khắc phục vấn đề này; trước tiên phải tìm ra nguyên nhân để có giải pháp hữu hiệu, không để sản phẩm của người nông dân làm ra mà không xuất khẩu được.

“Chúng ta phải cùng nhau kiểm soát được tất cả các mã số vùng trồng hiện có và các vùng trồng tại địa phương; làm sao phải tuyên truyền cho doanh nghiệp khi thu mua, lấy nguồn hàng từ chỗ đó bắt buộc phải có kết quả kiểm nghiệm. Các cơ quan kiểm dịch thực vật phải tuyên truyền, nói với doanh nghiệp biết phải kiểm soát cho đúng mã số, và kết quả kiểm nghiệm đó. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các đơn vị sau cuộc họp này sẽ cùng Tiền Giang rà soát lại kế hoạch và phối hợp các đơn vị khác nữa để làm ngay trong quý 1, chậm nhất là quý 2 phải có báo cáo xác định nguyên nhân. Vấn đề thứ 2 là muốn làm gì thì làm để kiểm soát tốt cadimi và các hoạt chất khác thì phải tại gốc” - ông Hoàng Trung nói.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tien-giang-cai-thien-nang-cao-chat-luong-sau-rieng-xuat-khau-post1147192.vov