Tiền Giang: Chăm sóc sức khỏe trẻ em, giảm tử vong trẻ dưới 5 tuổi

Theo số liệu thống kê năm 2023, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em của tỉnh đã đạt được một số thành quả nhất định: Tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi là 0,66%0 (năm 2022 là 0,25%0); tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi là 1,23%0 (năm 2022 là 0,59%0); tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi là 12,3% (giảm 0,1% so với năm 2022).Các chỉ số trên đều đạt chỉ tiêu do HĐND tỉnh Tiền Giang đề ra, thể hiện hiệu quả của chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại tác động trực tiếp đến tình trạng tử vong trẻ dưới 5 tuổi.

Chăm sóc tốt sức khỏe trẻ em để giảm tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Ảnh: LẬP ĐỨC

Chăm sóc tốt sức khỏe trẻ em để giảm tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Ảnh: LẬP ĐỨC

Để triển khai thực hiện đạt hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em nhằm giảm tử vong trẻ dưới 5 tuổi theo tỉnh thần Chỉ thị 05 ngày 26-6-2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, văn bản chỉ đạo đã được UBND tỉnh phê duyệt, ban hành, từng bước thực hiện thành công Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ dưới 5 tuổi đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 1493 ngày 10-9-2021.

Theo đó, Sở Y tế chủ trì tổ chức triển khai các hoạt động nhằm giảm tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Hằng năm, đưa các chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lồng ghép tổ chức triển khai thực hiện. Củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực chuyên môn hệ thống mạng lưới khám, chữa bệnh chuyên ngành sản khoa, nhi khoa các tuyến (tỉnh, huyện, xã) trên địa bàn tỉnh; củng cố nâng cao năng lực xử trí cấp cứu và hồi sức sơ sinh.

Thực hiện rộng rãi các can thiệp chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ/mổ đẻ… Triển khai hiệu quả khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em, trong đó có sử dụng rộng rãi, hiệu quả Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản giấy, phiên bản điện tử - là công cụ theo dõi liên tục và quản lý sức khỏe trẻ em; tăng cường phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi…

Tăng cường triển khai tiêm chủng các vắc xin cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo đạt tỷ lệ, an toàn, hiệu quả. Đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp giảm tử vong trẻ em do dịch bệnh, đuối nước, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, thiên tai...; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới nhân viên y tế ấp/khu phố.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, đa dạng hình thức và phương tiện truyền thông phù hợp và hiệu quả tại địa phương về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, sức khỏe trẻ em; phòng, chống suy dinh dưỡng; tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; sinh đủ con nhằm đạt mức sinh thay thế, duy trì đến năm 2030.

Cân đối, bố trí kinh phí ngân sách địa phương trong phạm vi chi sự nghiệp y tế giao hằng năm cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em theo đúng quy định hiện hành. Huy động vốn đầu tư phát triển cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Rà soát, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đãi ngộ nhằm thu hút cán bộ có chuyên môn giỏi và chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa về công tác tại tuyến y tế cơ sở. Lồng ghép tổ chức triển khai Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 nhằm giảm tử vong trẻ em do tai nạn thương tích (đuối nước, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, thiên tai...).

Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, tăng cường công tác truyền thông về bình đẳng giới, tác hại của tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; có cơ chế để phụ nữ tiếp cận tốt hơn dịch vụ công, dịch vụ xã hội thiết yếu và các dịch vụ tư vấn về hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Tổ chức triển khai có hiệu quả các mô hình công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em.

UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Y tế đưa các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đầu tư ngân sách địa phương thông qua nguồn vốn chi thường xuyên, vốn đầu tư, các Chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung can thiệp giảm tử vong trẻ em. Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp giảm tử vong trẻ em do dịch bệnh, đuối nước, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, thiên tai…

HỮU NGHỊ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202409/tien-giang-cham-soc-suc-khoe-tre-em-giam-tu-vong-tre-duoi-5-tuoi-1020359/