Tiền Giang: Chỉ còn 10 ngày để tách F0 ra khỏi cộng đồng
Chiều 22-7, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Tiền Giang chủ trì cuộc họp trực tuyến với các huyện, thành phố, thị xã và cấp xã trong toàn tỉnh về công tác phòng, chống Covid-19.
DIỄN BIẾN DỊCH BỆNH TRÊN ĐỊA BÀN
Theo đánh giá của Tổ công tác Bộ Y tế, Tiền Giang còn một số địa phương thuộc diện nguy cơ rất cao, đó là TP. Mỹ Tho, huyện Gò Công Đông và huyện Châu Thành. Các địa phương nguy cơ cao là huyện Gò Công Tây, TX. Gò Công, huyện Chợ Gạo. Tại huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy, huyện Tân Phước cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch.
TP. Mỹ Tho có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho cho hay, trong 2 ngày qua trên địa bàn phát hiện 71 F0, trong đó có 37 F0 phát hiện do tầm soát diện rộng trong cộng đồng.
Thực hiện kế hoạch tầm soát diện rộng trong cộng đồng khu vực nguy cơ cao và đối tượng nguy cơ cao, đến thời điểm chiều 21-7, cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu xét nghiệm PCR cho gần 15.000 người, kết quả phát hiện 58 người nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, thành phố còn tổ chức 2 điểm lấy mẫu và đã lấy mẫu test kháng nguyên SARS-CoV-2 tự nguyện cho người dân có nhu cầu. Kết quả đã lấy 2.100 mẫu, qua đó phát hiện 9 F0. Các trường hợp F0 phát hiện qua tầm soát đã được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến và thực hiện các giải pháp khoanh vùng, dập dịch theo quy định.
Đối với việc quản lý người ngoài địa bàn đến địa phương, TP. Mỹ Tho áp dụng quy định là người về từ TP. Hồ Chí Minh được test nhanh và đưa cách ly tập trung 7 ngày, nếu xét nghiệm âm tính thì cho về nhà cách ly 7 ngày.
Tại huyện Gò Công Đông, địa phương có số ca mắc Covid-19 xếp thứ 2 toàn tỉnh, tình hình dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp. Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, tới đầu giờ chiều 22-7 toàn huyện có 15 ổ dịch với 231 F0 được phát hiện, trong đó 14 ổ dịch đã khống chế; riêng ổ dịch tại thị trấn Tân Hòa có nguồn lây từ chợ Bình Điền TP. Hồ Chí Minh và Chợ cũ Gò Công còn phát sinh ca nhiễm, huyện đang tiếp tục truy vết, xử lý ổ dịch.
Theo lãnh đạo UBND TX. Gò Công, hiện ổ dịch tại Chợ cũ Gò Công đã lây lan mầm bệnh ra cộng đồng; trong đó, nhiều người dân có triệu chứng bệnh đã đến test tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công đều cho kết quả nhiễm Covid-19. TX. Gò Công đã có kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm tầm soát diện rộng tại khu vực phường 1 và phường 3.
Theo báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, địa phương này có 2 ổ dịch là ở chợ Xoài Hột và chợ Gò Lũy là ổ dịch mới nên huyện đã và đang thực hiện dập dịch. Hiện tại, ổ dịch ở chợ Xoài Hột đã ổn; ổ dịch ở chợ Gò Lũy đã tầm soát được thêm 2 F0 và 9 F1. Huyện Châu Thành đang tập trung rà soát các khu dân cư có nguy cơ cao và thực hiện tầm soát. Huyện kiến nghị tỉnh bổ sung thêm nguồn nhân lực y tế cho huyện; đề xuất hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho người dân khu vực phong tỏa.
ĐẨY NHANH TỐC ĐỘ TẦM SOÁT TRONG CỘNG ĐỒNG
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh chỉ đạo hệ thống chính trị cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để dập tắt các ổ dịch, không để lây lan ra cộng đồng; hạn chế tối đa, tiến đến không còn ổ dịch mới phát sinh.
Muốn đạt mục tiêu đặt ra, các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ tầm soát diện rộng mầm bệnh trong cộng đồng các khu vực nguy cơ cao và nguy cơ rất cao với phương pháp xét nghiệm PCR mẫu gộp.
Theo lãnh đạo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các địa phương không nên lạm dụng phương pháp test nhanh kháng nguyên vì kết quả sẽ không chính xác; sẽ xảy ra trường hợp dương tính giả và trường hợp âm tính giả do nồng độ vi rút của người bệnh chưa đủ để phát hiện bệnh. Do đó, trong tầm soát diện rộng chỉ nên thực hiện xét nghiệm PCR mẫu gộp, vừa tiết kiệm vừa cho kết quả chính xác.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh nhắc nhở: Các địa phương cần tiếp tục khoanh vùng, điều tra, truy vết, không bỏ sót đối tượng nhiễm bệnh, không để lây nhiễm chéo và mầm bệnh lây lan trên diện rộng. Khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm PCR đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm và F1; test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đối với các F2. Tăng cường quản lý, giám sát trong các khu cách ly, không để xảy ra lây nhiễm chéo; rà soát, bổ sung đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật dụng để đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ tốt cho công tác điều trị và cách ly phòng, chống dịch. Khắc phục lỗ hổng khai báo y tế, quản lý chặt người về từ vùng dịch, đặc biệt là từ TP. Hồ Chí Minh và các ổ dịch trong tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: Cần quản lý đối tượng dân di biến, nhất là tài xế liên tỉnh; sắp xếp lại các chợ truyền thống vừa đảm bảo chống dịch vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân; phát huy hoạt động tương thân tương ái trong chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Thực hiện Nghị quyết 78 của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; trong đó, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch; thực hiện chặt chẽ hơn các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch; tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải khẩn trương hoàn thành việc lấy mẫu tầm soát Covid-19 trong các khu vực, nhóm nguy cơ cao nhằm nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mười lưu ý: Các địa phương cần hết sức bình tĩnh để xử lý hiệu quả tình hình dịch bệnh tại địa phương. Cơ quan chuyên môn cần đặt vai trò phòng, chống dịch lên hàng đầu, do đó phải tham mưu tốt để lãnh đạo địa phương đưa ra những quyết định xử lý dịch hiệu quả. Các địa phương cần thực hiện nghiêm quy định chuyên môn về phương pháp và thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện quy định mới của Bộ Y tế về việc thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hằng tuần đối với tiểu thương và nhân viên quản lý chợ. Các cơ sở y tế phải thông báo ngay cho địa phương khi phát hiện ca dương tính sau test nhanh để tránh bỏ sót F1.