Tiền Giang chủ động bảo vệ vườn cây đặc sản khi nước mặn xâm nhập
Ngoài việc vận hành các hệ thống cống ngăn mặn, các địa phương trên địa bàn đã có phương án tích trữ và sẵn sàng bơm cấp nước ngọt cho các nhà vườn.
Tỉnh Tiền Giang có diện tích cây ăn quả lớn nhất vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, nhiều loại cây ăn quả rất mẫn cảm với nước mặn. Do đó, khi vào mùa mặn xâm nhập ở thời điểm này, chính quyền và nhà vườn địa phương đang áp dụng các biện pháp chủ động để bảo vệ vườn cây.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, từ ngày 18-20/2 độ mặn ở vùng hạ lưu sông Tiền đạt đỉnh; có thể độ mặn cao nhất xuất hiện tại cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) từ 4 - 6 phần nghìn, tại TP Mỹ Tho hơn 2 phần nghìn và cống Xoài Hột (huyện Châu Thành) từ 0,5 - 1,5 phần nghìn. Do đó, đối với vườn cây ăn trái ven sông Tiền cần được bảo vệ khi nước mặn cao hơn 1 phần nghìn.
Ông Thái Văn Lộc, chủ vườn cây sầu riêng ở ấp Bình Chánh Đông, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cũng như nhiều nhà vườn ở địa phương này hiện nay đã chủ động các biện pháp ứng phó khi nước mặn xâm nhập. Ông Lộc cho biết, đợt hạn mặn mùa khô năm 2020, vườn cây sầu riêng 7.000m2 của gia đình bị chết quá nửa. Ông Lộc phải vay ngân hàng 400 triệu đồng để đầu tư mới phục hồi vườn cây và đang cho thu hoạch, nên bằng mọi cách phải bảo vệ khu vườn, không để bị thiệt hại lần nữa.
“Lúc nào nhà vườn cũng phải bố trí không cho nước mặn xâm nhập xâm nhập, vì mặn xâm nhập thiệt hại sẽ rất lớn. Nhà vượn hiện đã tích trữ trong mương vườn 4000m3 nước lấy từ sông Tiền, phòng khi nước mặn dâng cao sẽ sử dụng lượng nước trong mương vườn được khoảng 1,5 tháng. Nếu nước mặn lên theo kinh nghiệm là phải trữ nước trong mương, hai là nhờ cơ quan chức năng hỗ trợ nước”, ông Lộc chia sẻ.
Cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) nằm giữa sông Tiền là nơi có gần 100% diện tích đất nông nghiệp trồng cây sầu riêng chuyên canh. Ngoài áp lực nước mặn từ sông Tiền dâng cao, địa phương này còn có thể bị đe dọa nguồn nước mặn từ sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên (tỉnh Bến Tre) tràn qua. Trong khi đó, vườn cây tại đây đang chuẩn bị cho thu hoạch rộ, nên công tác phòng chống nước mặn có nguy cơ xảy ra rất được chính quyền và nhà vườn xã Ngũ Hiệp rất quan tâm.
Ông Nguyễn Tấn Nhũ, bí thư Đảng ủy xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy cho biết, xã đã chủ động nguồn nước với các cống đập và 8 giếng dự phòng. Nếu mặn qua xã sẽ đóng các cống rồi vận hành các giếng, bơm cấp vào các tuyến kênh để người dân sử dụng nước tưới. “Xã còn 2 cái cống chưa kín, nếu có mặn huyện sẽ hỗ trợ kinh phí đóng kín”, ông Nhũ cho biết.
Thuận lợi trong công tác ứng phó với nước mặn xâm nhập của tỉnh Tiền Giang hiện nay, là ven sông Tiền có nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn do Trung ương và tỉnh đầu tư tại địa bàn huyện Châu Thành và Cai Lậy. Đến thời điểm này, hầu hết các công trình đều khẩn trương thi công và đã xây đến phần hạng mục cửa cống hay đã ngăn dòng nên nước mặn không thể xâm nhập từ sông Tiền vào kênh nội đồng.
Tại huyện Cái Bè có khoảng 8.000 ha vườn cây ven sông Tiền như sầu riêng, mít, xoài, cam... có thể bị ảnh hưởng khi nước mặn xâm nhập sâu. Đến thời này chính quyền và người dân các địa phương đã triển khai, thực hiện kế hoạch ứng phó. Các cống vừa và nhỏ đã có phương án đóng kín, nhà vườn gia cố cống bọng, bờ bao, nạo vét mương vườn, bơm trữ nước ngọt. Huyện Cái Bè cử cán bộ đo kiểm tra độ mặn thường xuyên tại 9 vị trí trên sộng Tiền để thông báo đến người dân.
Ông Phan Văn Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, cơ bản đến nay địa phương đã chuẩn bị khá chu đáo công tác phòng chống hạn mặn, người dân có ý thức cao trong việc bảo vệ vườn cây.
“Để chủ động chống nước mặn xâm nhập, huyện đã tập trung sửa chữa các cống đập để đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt đủ cho tưới tiêu. Đồng thời huyện cũng tuyên truyền cho bà con chủ động tích trữ nước tại hộ gia đình, tưới cây bằng hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước ngọt đảm bảo cầm chừng trong giai đoạn nước mặn. Khi nước mặn duy trì lâu ngày, huyện sẽ bơm nước ngọt vào mương vườn phục vụ người dân”, ông Thành cho biết.
Toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 80.000 ha vườn cây ăn trái với 11 loại trái cây đặc sản chủ lực. Với sự quyết tâm cao, tinh thần chủ động của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và nhà vườn, tin rằng vườn cây sẽ được bảo vệ an toàn, cho năng suất cao, đón nhận mùa bội thu ngay mùa khô hạn./.