Tiền Giang: Chủ động ứng phó thiên tai từ nay đến cuối năm

Ngày 6-9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Tiền Giang ban hành công văn về việc chủ động ứng phó mưa lớn, lũ, bão, lốc xoáy, sạt lở, ngập úng và triều cường từ nay đến cuối năm 2024.

Tiền Giang chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai.

Tiền Giang chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, từ nay đến tháng 11-2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện từ 5 - 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

Trong đó, có khoảng 3 - 4 cơn đổ bộ vào đất liền và tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và các tỉnh phía Nam. Từ tháng 12-2024 đến tháng 2-2025, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 1 - 2 cơn bão, ATNĐ, có thể ảnh hưởng đến đất liền. Mùa bão năm nay hoạt động mạnh và muộn về cuối năm.

Đỉnh lũ xấp xỉ trên sông Tiền xuất hiện vào giữa tháng 10, ở mức thấp hơn đến bằng báo động I. Các trạm vùng hạ lưu sông Tiền, mực nước cao nhất năm ở mức cao hơn báo động III khoảng 0,25 - 0,35 m xuất hiện vào giữa tháng 10 và giữa tháng 11.

Tuy nhiên, đỉnh triều dự báo ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm dẫn đến tác động kết hợp giữa lũ và triều cường có nguy cơ gây ngập lụt, úng cho các khu vực ven sông, cù lao... và vùng trũng.

Hiện nay, cơn bão số 3 đang hoạt động trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. Vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm vùng biển Gò Công), gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8; trời nhiều mây, có nơi mưa vừa đến mưa to và rất to.

Để chủ động phòng, ngừa, ứng phó với các diễn biến bất thường của cơn bão số 3 và mưa lớn, lũ, bão, lốc xoáy, sạt lở, ngập úng và triều cường từ nay đến cuối năm 2024, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang và UBND các huyện, thị xã và thành phố chủ động tổ chức thực hiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ.

Trong đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đề nghị UBND các huyện, thị xã và thành phố theo dõi, cập nhật chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn; bản tin cảnh báo diễn biến lũ và triều cường, thông tin dự báo dòng chảy, thủy triều của các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn, cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cung cấp định kỳ cho các địa phương.

Điều này để nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác của tổ chức, cộng đồng và người dân chủ động phòng tránh, ứng phó với các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa lớn, triều cường, sạt lở có thể xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại.

UBND các huyện, thị xã và thành phố chủ động rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra tại địa phương, nhất là phương án ứng phó với bão, lũ lụt, triều cường, sạt lở đất. Đồng thời, xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát lại hệ thống đê bao, bờ bao, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, các vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa lũ, triều cường. Song song đó là gia cố, nâng cấp đê bao, bờ bao xuống cấp, trũng thấp để bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái, đặc biệt là diện tích cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; có biện pháp đảm bảo tiêu úng kịp thời hiệu quả đối với các ô bao khóm; gia cố, bảo vệ ao nuôi thủy sản, thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Các địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh dông lốc, sét trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là Đài Truyền thanh địa phương để người dân biết và thực hiện; tăng cường công tác truyền thông, thông tin về tình hình lũ nội đồng và triều cường để người dân biết, chủ động đề phòng ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh.

UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo đơn vị quản lý đô thị trên địa bàn thực hiện kiểm tra, rà soát, có các biện pháp chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, có biện pháp gia cường, chống đỡ cây, nhất là các cây xanh trong trường học, bệnh viện, công viên, dọc các tuyến đường giao thông, khu dân cư đông người nhằm đảm bảo an toàn; không để cây xanh ngã đổ do mưa dông, lốc xoáy, gió giật mạnh gây thiệt hại về người, đặc biệt là tính mạng của người dân khi tham gia giao thông.

Chủ động bố trí ngân sách địa phương (bao gồm cả dự phương ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) để triển khai công tác phòng, chống khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định…

ANH THƯ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202409/tien-giang-chu-dong-ung-pho-thien-tai-tu-nay-den-cuoi-nam-1020454/