Tiền Giang đã 'mất' chợ nổi Cái Bè
Mặc dù chính quyền và các ngành chức năng đã tìm nhiều giải pháp, biện pháp để duy trì chợ nổi Cái Bè nhưng hoạt động giao thương ngày càng thưa vắng, đến nay cảnh trên bến dưới thuyền không còn nữa.
UBND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay, chợ nổi Cái Bè không còn hoạt động, những thương hồ nhiều năm làm nghề buôn bán tại đây đã chuyển sang ngành nghề khác. Tại khu vực diễn ra chợ nổi hiện nay không còn ghe tàu nào tụ tập như trước đây. Đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè”, trước đây huyện đã bàn thảo và triển khai không hiệu quả.
Việc mất đi chợ nổi truyền thống trên sông nước là do quy luật phát triển kinh tế - xã hội, mô hình trao đổi hàng hóa trên sông nước không còn phù hợp; tuy nhiên, nhiều người dân, doanh nghiệp địa phương rất hối tiếc về hoạt động này, nhất là thu hút khách tham quan du lịch.
“Chợ nổi Cái Bè mất, từ khi xảy ra dịch covid-19 chợ nổi tan rồi. Ngành du lịch muốn phát triển thì địa phương phải có chính sách làm lại chợ nổi, vì không còn chợ nổi thì du khách không còn tập trung về Cái Bè nhiều nữa, rất tiếc. Điểm nhấn của Cái Bè vẫn là chợ nổi, du khách đến đều có nhu cầu đi xem chợ nổi, có chợ nổi sẽ thu hút khách nhiều hơn”, ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc công ty TNHH MTV du lịch Việt Phong Cái Bè nói.
Chợ nổi Cái Bè nằm ở ngã 3 sông, nơi tiếp giáp giữa sông Tiền và sông Cái Bè, được hình thành từ khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ XVII. Do nhiều ghe, thuyền neo đậu mua bán nên chợ nổi trở nên nhộn nhịp, sầm uất. Vào thời cực thịnh, từ 4 giờ sáng, chợ nổi Cái Bè có đến 500 - 600 ghe, thuyền lớn nhỏ tập trung về đây làm huyên náo cả một vùng, với các hoạt động giao thương sôi nổi. Hiện nay, hình ảnh đó đã đi vào quá khứ.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tien-giang-da-mat-cho-noi-cai-be-post1135678.vov