Tiền Giang: Đảm bảo tiến độ chọn sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11

Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ tiếp tục triển khai dạy học theo chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới đối với các lớp 4, 8 và 11. Tiếp nối kinh nghiệm từ các lần chọn SGK của những năm trước, công tác chọn SGK được các địa phương, nhà trường tổ chức bài bản nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng.

GẦN 140 ĐẦU SÁCH

Cùng với các tỉnh, thành của cả nước, đây là năm thứ 4 liên tiếp, tỉnh Tiền Giang thực hiện công tác lựa chọn SGK cho Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Qua gần 3 năm học triển khai giảng dạy SGK mới, chất lượng giáo dục được nâng lên, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Tiếp tục thực hiện lộ trình cuốn chiếu trong việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành các quyết định phê duyệt danh mục các đầu SGK các lớp 4, 8 và 11 theo Chương trình GDPT năm 2018. Cụ thể, có gần 140 đầu sách ở 3 khối lớp vừa được Bộ GD-ĐT công bố, trong đó lớp 4 có 44 đầu SGK; lớp 8 có 42 đầu SGK và lớp 11 có 50 đầu SGK.

Năm học 2023 - 2024, học sinh khối lớp 4, 8 và 11 tỉnh Tiền Giang sẽ học Chương trình SGK mới. (Ảnh chụp học sinh lớp 8, Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho trong giờ học).

Năm học 2023 - 2024, học sinh khối lớp 4, 8 và 11 tỉnh Tiền Giang sẽ học Chương trình SGK mới. (Ảnh chụp học sinh lớp 8, Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho trong giờ học).

Theo đánh giá ban đầu, các bản mẫu SGK năm nay cơ bản đáp ứng cấu trúc chương trình ở các môn học, các nội dung trong sách thể hiện tốt phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh được quy định trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, các bản mẫu SGK năm nay cũng còn một số hạn chế nhất định như một số nội dung, thuật ngữ chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học, một số bản mẫu còn bị lỗi về mặt từ ngữ, hình ảnh…

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí cho biết, việc chọn SGK là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành GD-ĐT. Theo đó, một trong hai vấn đề quan trọng khi triển khai Chương trình GDPT năm 2018 được toàn ngành GD-ĐT đặc biệt quan tâm là đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị cần thiết và thực hiện công tác nâng chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, kịp thời tuyển dụng nguồn giáo viên còn thiếu ở các bậc học để thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT mới.

BẮT TAY VÀO VIỆC

Các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chính thức bắt tay vào công tác chọn SGK ngay từ tuần đầu của tháng 2-2023. Theo đó, một trong những công việc đầu tiên là hiệu trưởng các trường triển khai Thông tư 25 của Bộ GD-ĐT cho Hội đồng Sư phạm và Ban Đại diện cha mẹ học sinh của trường. Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định thành lập các hội đồng lựa chọn SGK lớp 4, 8 và lớp 11 sử dụng từ năm học 2023 - 2024.

"Công tác lựa chọn SGK là việc rất quan trọng, việc chọn SGK phải được thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, đảm bảo các tiêu chí: Phù hợp với việc học của học sinh; thuận lợi cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội địa phương và điều kiện tổ chức dạy - học tại cơ sở giáo dục”.

PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN PHƯƠNG TOÀN

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Văn Phèn (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) Lê Thị Kim Hồng cho biết, cán bộ, giáo viên của tường hiện đang được dự hội thảo giới thiệu các bộ SGK. Sau đó, nhà trường sẽ tiến hành các công đoạn tiếp theo như hướng dẫn của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT. Một trong hai vấn đề rút ra trong nghiên cứu chọn SGK những năm qua là việc tiếp cận sách phải sớm, để có thời gian cho giáo viên nghiên cứu; thứ hai là phải có đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm giảng dạy tư vấn cho giáo viên khi nghiên cứu sách có nội dung chưa thông hiểu cần giải đáp.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, trong tháng 3 này, khối lượng công việc chọn SGK sẽ tương đối lớn. Do đó, sau khi thực hiện quy trình giới thiệu SGK từ các nhà xuất bản, Hiệu trưởng các trường học sẽ chỉ đạo và tổ chức cho các tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận, đánh giá, nhận xét và lựa chọn SGK theo đúng quy định. Các tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận, đánh giá, nhận xét SGK của môn học các lớp 4, 8 và 11 đúng chuyên môn và theo tiêu chí lựa chọn SGK của tỉnh; tiến hành bỏ phiếu kín, lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học và báo cáo cho Hiệu trưởng danh mục SGK do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn có chữ ký của Tổ trưởng chuyên môn và các giáo viên tham gia lựa chọn.

Tiếp đó, Hiệu trưởng các trường tổ chức cuộc họp, với thành phần dự họp gồm: Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng, các Tổ trưởng chuyên môn và đại diện Ban Đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá, nhận xét SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất và lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học. Các trường sẽ tiến hành báo cáo kết quả lựa chọn SGK về Phòng GD-ĐT đối với lớp 4, 8 theo danh mục từ cao đến thấp; còn với lớp 11 báo cáo về Sở GD-ĐT. Sở GD-ĐT tổng hợp và chuyển giao cho Hội đồng Lựa chọn SGK danh mục SGK đã được các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn.

Sau đó, thành viên Hội đồng Lựa chọn SGK nghiên cứu, nhận xét, đánh giá SGK theo các tiêu chí lựa chọn và tiến hành họp Hội đồng thảo luận, đánh giá, nhận xét SGK trên cơ sở danh mục đã được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất; bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học, tổng hợp kết quả lựa chọn SGK và chuyển giao kết quả về Sở GD-ĐT.

Sở GD-ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn SGK của các môn học trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt danh mục SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục, công bố rộng rãi cho công chúng. Theo kế hoạch, tháng 5-2023, Sở GD-ĐT sẽ thông tin kết quả lựa chọn SGK đến các nhà xuất bản, phối hợp xây dựng kế hoạch tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy các khối lớp 4, 8 và 11. Sau đó, trong tháng 6, Sở phối hợp nhà xuất bản tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy lớp 4, 8 và 11 sử dụng SGK theo từng môn học

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho Lê Mạnh Cường chia sẻ: “Kinh nghiệm rút ra sau 2 lần lựa chọn SGK trước là cần nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ, giáo viên thực hiện việc lựa chọn sách đảm bảo đúng theo Thông tư 25 của Bộ GD-ĐT và các văn bản hướng dẫn của ngành, của tỉnh Tiền Giang. Cùng với đó, tổ chức, triển khai tập huấn SGK cho toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên; chủ động chuẩn bị sớm, phân công giáo viên trong công tác chọn SGK”.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202302/tien-giang-dam-bao-tien-do-chon-sach-giao-khoa-cac-lop-4-8-11-971950/