Tiền Giang: Gỡ khó cho chuyển đổi số
Thực hiện chủ trương về chuyển đổi số, Tiền Giang đã có bước chuyển động đáng kể thông qua nhiều nền tảng khác nhau như hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số… Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc và cần có những giải pháp gỡ khó mang tính đồng bộ hơn.TẬP TRUNG TRIỂN KHAI
Đánh giá của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ chuyển đổi số được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang.
Nhờ đó, chủ trương chuyển đổi số bước đầu huy động được sự tham gia của các ngành, địa phương, cơ quan chuyên môn tham mưu. Điểm cơ bản là các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã tích cực chỉ đạo và triển khai các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò và lợi ích của việc ứng dụng CNTT trong công việc của cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao rõ rệt.
Từ đó, nhiều nội dung, nhiệm vụ quan trọng được hoàn thành, đã góp phần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số của tỉnh như: Hệ thống một cửa điện tử tích hợp cổng dịch vụ công trực tuyến được tiếp tục triển khai đồng bộ, liên thông, thống nhất trong các cơ quan nhà nước của tỉnh, phục vụ hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính. Hệ thống hội nghị trực tuyến được khai thác, sử dụng hiệu quả, phục vụ tốt các cuộc họp của tỉnh. Trung tâm điều hành thông minh được thành lập làm nền tảng tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh vào hệ thống nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, tỷ lệ người dùng Ứng dụng nền tảng trợ lý ảo TienGiangS ngày càng nâng cao…
Đánh giá tại phiên họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung thực hiện trong thời kỳ này; đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về sử dụng CNTT.
Bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được về chuyển đổi số của Tiền Giang thời gian qua, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cũng đề nghị 9 xã tại huyện Tân Phước khẩn trương thành lập các Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số xã; đồng thời, yêu cầu các sở chưa ban hành các kế hoạch trên cơ sở nhằm cụ thể hóa Kế hoạch 370 của UBND tỉnh thì nhanh chóng triển khai thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cũng đề nghị Sở TT-TT giao chỉ tiêu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ xử lý trực tuyến của năm 2022; tham mưu xếp hạng chuyển đổi số, CNTT hằng năm đối với các sở, ban, ngành và UBND các huyện. Đề nghị các sở, ngành khẩn trương thực hiện đồng bộ, tích hợp, công khai thêm các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Quốc gia. Tiến hành rà soát, hoàn thành lộ trình tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng thông tin điện tử Quốc gia, chủ động phối hợp với Sở TT-TT triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số theo kế hoạch năm 2022 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang.
THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Theo Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình, trong thời gian qua Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện, cũng như Tổ Công nghệ số cộng đồng ấp, xã trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, UBND huyện Cai Lậy đề nghị Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh là thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh sớm xây dựng và phát triển các nền tảng số, công nghệ số của ngành và triển khai đến địa phương theo Kế hoạch 370 của UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, hiện các ấp, xã trên địa bàn huyện Cai Lậy đều đã thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng, nhưng chưa được bồi dưỡng, tập huấn cũng như định hướng, nhận chỉ tiêu về triển khai các nền tảng số, công nghệ số để hướng dẫn lại cho người dân trên địa bàn huyện. Chính vì vậy, đồng chí Trần Quốc Bình đề nghị Sở TT-TT sớm hỗ trợ, hướng dẫn, điều phối triển khai nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến các Tổ Công nghệ số cộng đồng ấp, xã để có thông tin, tuyên truyền, triển khai lại đến người dân.
Tương tự, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang Võ Ngọc Hà cho biết, kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 sẽ căn cứ vào Bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá chuyển đổi số các cơ sở giáo dục và đào tạo được xây dựng trên tiêu chí bám sát nội dung chương trình chuyển đổi số quốc gia, được áp dụng cho các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học trong và ngoài công lập.
Trong đó, Bộ chỉ số được xây dựng để đánh giá 7 chỉ số đối với ngành Giáo dục và Đào tạo gồm: Chỉ số Hạ tầng, nền tảng số và an toàn thông tin; Chỉ số Phát triển nhân lực số; Chỉ số Về nguồn lực; Chỉ số Xây dựng thể chế; Chỉ số Hoạt động quản trị số; Chỉ số Hoạt động dạy - học số và Chỉ số Hoạt động dịch vụ số học đường.
“Để nhiệm vụ chuyển đổi số đáp ứng được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch 370 của UBND tỉnh, Trường Đại học Tiền Giang đề nghị cần có cơ chế, chính sách cấp bổ sung nguồn kinh phí để trường thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong năm học 2022 - 2023.
Đồng thời, do chuyển đổi số trong trường đại học có những đặc điểm riêng, nên đề nghị Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh xem xét thực hiện các quy định pháp luật, hỗ trợ trường xây dựng và thực hiện Đề án Chuyển đổi số trong giai đoạn 2023 - 2030” - đồng chí Võ Ngọc Hà cho biết.
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc của các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện chủ trương chuyển đổi số, Giám đốc Sở TT-TT Trần Văn Dũng cho rằng, về vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, hiện tỷ lệ có tài khoản ngân hàng không nhiều, trong đó ngành Truyền thông đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tiền Giang tham mưu, ban hành, triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money cho 3 nhà mạng Mobifone, VNPT và Viettel.
Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; trên cơ sở này đề nghị ngành Y tế, ngành Giáo dục và các ngành liên quan đến hoạt động phí, lệ phí, giao dịch có tính chất tài chính để cùng nhau phối hợp với các doanh nghiệp, đặc biệt là triển khai hiệu quả Tổ Công nghệ số cộng đồng trong việc nắm rõ thao tác, kiến thức giúp ích công tác tuyên truyền lan tỏa đến người dân.
Bên cạnh đó, qua ý kiến đề nghị của Trường Đại học Tiền Giang về vấn đề tài chính, đồng chí Trần Văn Dũng cho rằng, so với các sở, ngành khác, Trường Đại học Tiền Giang là đơn vị khá đặc biệt liên quan đến nguồn lực số, bởi trường là đơn vị cung cấp các nguồn lực số và đổi mới sáng tạo, do đó nếu tuột hậu chuyển đổi số trong nhà trường để đạt mục tiêu đại học số, mà không có đề án định hướng thì rất khó khăn chuyển đổi số mạnh mẽ trong trường học.
Trong khi đó, lực lượng trí thức, nhất là tầng lớp sinh viên là nhân tố tiếp cận môi trường số, phát triển thành công dân số trong tương lai. Chính vì vậy, Sở TT-TT cũng kiến nghị UBND tỉnh quan tâm cấp kinh phí cho Đề án Chuyển đổi số trong trường học.
“Về đề xuất tập huấn cho Tổ Công nghệ số cộng đồng, trong khoảng tháng 8-2022, các cơ quan liên quan phối hợp với Sở TT-TT tổ chức chương trình tập huấn toàn bộ lực lượng tham gia vào công cuộc chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cấp xã” - đồng chí Trần Văn Dũng cho biết…