Tiền Giang: Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ hợp tác xã

Để hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tỉnh Tiền Giang đã tập trung triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Qua đó, các HTX từng bước tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hoạt động.NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh, phối hợp cùng các ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ HTX giai đoạn 2015 - 2020 và 2021 - 2025, được cụ thể hóa tại Quyết định 2848 của UBND tỉnh.

HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Bình Tây được hỗ trợ thực hiện Dự án Liên kết sản xuất tiêu thụ bưởi da xanh.

HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Bình Tây được hỗ trợ thực hiện Dự án Liên kết sản xuất tiêu thụ bưởi da xanh.

Theo đó, Sở NN&PTNT đã tập trung triển khai chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với chế biến, bảo quản. Trong giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ 41 công trình cho 35 HTX với tổng kinh phí 32 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách 25,6 tỷ đồng, vốn đối ứng với các hạng mục 6,4 tỷ đồng, gồm các hạng mục hỗ trợ như: Trụ sở làm việc; nhà kho, nhà sơ chế, chế biến, cửa hàng vật tư nông nghiệp; điện 3 pha; công trình nước sinh hoạt nông thôn. Việc hỗ trợ đã giúp HTX có cơ sở vật chất, văn phòng làm việc ổn định, khang trang, rộng rãi, có thể mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, kết nạp thêm thành viên.

Một trong những chính sách quan trọng mà tỉnh tập trung triển khai là hỗ trợ chi trả lương cho lao động trẻ về làm việc. Giai đoạn 2018 - 2023, tỉnh thực hiện hỗ trợ kinh phí chi trả lương cho 33 lao động trẻ về làm việc tại 27 HTX để hỗ trợ về kỹ thuật, kinh doanh và kế toán.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ cho HTX nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn và hạn chế. Cụ thể, các HTX ít tiếp cận chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng.

Nguyên nhân là do công tác triển khai, hướng dẫn, tổng hợp nhu cầu của một số địa phương đến các HTX để tiếp cận còn chậm. Các HTX ngại nghiên cứu, nắm bắt chính sách để xây dựng các hồ sơ theo yêu cầu đề xuất hỗ trợ. HTX chưa có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, khả thi, nguồn lực còn hạn chế. Việc đầu tư hạ tầng đòi hỏi HTX phải có đất để xây dựng và đất phải đảm bảo đúng công năng, mục đích sử dụng thì phần lớn các HTX chưa đáp ứng được.

Một số HTX không tiếp cận được chính sách hỗ trợ chi trả lương cho lao động trẻ về làm việc ở HTX. Nguyên nhân do HTX không tuyển dụng được lao động về làm việc để đề xuất xem xét hỗ trợ hoặc HTX không có phương án hoạt động cụ thể để có thể khai thác, sử dụng lao động sau hỗ trợ. Một số HTX hoạt động hiệu quả chưa cao nên không được xem xét hỗ trợ…

Đa phần các HTX chưa có sự quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện tại, cũng như đội ngũ kế thừa trong tương lai. Nhiều HTX khi đưa cán bộ học xong về không bố trí công tác đúng chuyên môn để phát huy, vận dụng kiến thức đã học. Về chính sách tín dụng, HTX không có tài sản thế chấp, quản lý thiếu minh bạch, không có phương án khả thi…

Việc hỗ trợ đã giúp các HTX thực hiện tốt công tác về quản lý, kế toán và hướng dẫn thành viên áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Điều này góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HTX. Nhiều HTX sau hỗ trợ hoạt động hiệu quả, thành viên được hướng dẫn tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Công tác tổ chức hoạt động và năng lực quản lý từng bước được cải thiện để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Để giúp các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động, tỉnh còn triển khai chính sách hỗ trợ liên kết tiêu thụ theo Nghị định 98/2018 của Chính phủ. UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 109 dự án/kế hoạch liên kết sẽ triển khai. Hiện có 29 dự án/kế hoạch liên kết được phê duyệt với tổng kinh phí thực hiện 107,487 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ 19,414 tỷ đồng. Qua đó, tỉnh đã huy động 29 HTX, 55 doanh nghiệp, với 1.320 hộ nông dân tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản. Điển hình như HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Bình Tây (xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây) được phê duyệt Dự án Hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ bưởi da xanh theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh. Có 31 thành viên HTX tham gia dự án với tổng diện tích 15,05 ha.

Khi tham gia dự án, nông dân được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc. HTX ký hợp đồng với cơ sở Hương Miền Tây bao tiêu đầu ra bưởi cho thành viên. Từ đó, lợi nhuận của thành viên cao hơn so với trước đây. Điều này góp phần giúp thành viên an tâm đầu ra và nâng cao thu nhập nhờ tham gia chuỗi liên kết.

Cùng với các chính sách trợ lực cho HTX nêu trên, tỉnh còn triển khai hỗ trợ đất cho HTX nông nghiệp thuê để xây dựng trụ sở làm việc. Đến nay, có 129 HTX có trụ sở riêng; 80 HTX được hưởng chính sách của Nhà nước cho thuê đất nhưng không thu tiền và miễn giảm theo quy định, với diện tích 315 ha; 20 HTX có quyền sử dụng đất với diện tích 290 ha.

Điển hình như HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây) được địa phương hỗ trợ cho thuê đất không thu tiền hơn 500 m2. Từ đó, HTX đã đầu tư trụ sở làm việc, nhà sơ chế.

“Khi ký hợp đồng tiêu thụ với các đối tác, yêu cầu bắt buộc là HTX phải có nhà sơ chế, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc được hỗ trợ cho thuê đất không thu tiền giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX thuận lợi hơn, đặc biệt là trong ký kết hợp đồng tiêu thụ” - ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh cho biết.

Ngoài các chính sách trên, tỉnh còn hỗ trợ HTX xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, mã số vùng trồng (MSVT). Đến nay, có 15 HTX với 22 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (10 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao), 12 HTX được cấp MSVT xuất khẩu với 31 mã. Việc cấp MSVT và chứng nhận sản phẩm OCOP góp phần giúp HTX ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho thành viên.

TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH CÙNG HTX

Xác định tầm quan trọng của việc triển khai các chính sách hỗ trợ HTX, trong thời gian tới, các sở, ngành và địa phương sẽ tiếp tục triển khai kịp thời và hiệu quả các chính sách hỗ trợ trên. Theo Sở NN&PTNT, giai đoạn 2024 - 2025, Sở đang thực hiện rà soát tổng hợp nhu cầu của các HTX và trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục đầu tư hạ tầng.

HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh có điều kiện ký kết hợp đồng tiêu thụ nhờ được thuê đất để xây dựng nhà sơ chế.

HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh có điều kiện ký kết hợp đồng tiêu thụ nhờ được thuê đất để xây dựng nhà sơ chế.

Dự kiến, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư nhà kho, nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị cho khoảng 40 HTX nông nghiệp, kinh phí dự kiến 50 tỷ đồng. Đồng thời, đang tổng hợp nhu cầu của các HTX, trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ; dự kiến sẽ hỗ trợ chi trả lương 100 lao động trẻ về làm việc ở 60 HTX, kinh phí dự kiến 12 tỷ đồng.

Cũng theo Sở NN&PTNT, để các chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần quan tâm triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho HTX nông nghiệp; theo dõi sâu sát, hướng dẫn cụ thể các hồ sơ, thủ tục để các HTX có thể tiếp cận.

Đồng thời, phải theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Các sở, ngành, địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho HTX; sử dụng nguồn vốn lồng ghép thực hiện hỗ trợ cho đối tượng là HTX nông nghiệp và thành viên triển khai thực hiện các chính sách của sở, ngành, địa phương.

Các địa phương cần quan tâm, tạo mọi điều kiện cho các HTX tiếp cận chính sách về đất đai. Đây là điều kiện cần phải có để tiếp cận được chính sách hỗ trợ như: Đầu tư kết cấu hạ tầng; tín dụng… Địa phương cần tạo thuận lợi và có cơ chế linh hoạt về thủ tục vay vốn cho HTX, cho phép được dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm thế chấp hoặc được vay vốn bằng tín chấp.

Đồng thời, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tìm đối tác để liên kết, liên doanh…

ANH THƯ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202311/tien-giang-hieu-qua-tu-chinh-sach-ho-tro-hop-tac-xa-995495/