Tiền Giang: Nâng chất lượng dân số và giải quyết tốt vấn đề cơ cấu dân số

Công tác dân số tiếp tục được xem là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực, cuộc sống của người dân, gia đình và toàn xã hội.

Truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Tiền Giang năm 2020.

Truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Tiền Giang năm 2020.

GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

Giải quyết đồng bộ các vấn đề dân số, tập trung nâng chất lượng dân số, phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng”, chủ động điều chỉnh tốc độ tăng dân số và kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh là quan điểm được xác định tại Quyết định 2013 ngày 14-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

Với mục tiêu được triển khai trên toàn quốc là nâng cao chất lượng dân số, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bố dân số, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mục tiêu của giai đoạn 2011 - 2020 là duy trì mức sinh thấp hợp lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu kế hoạch hóa gia đình của người dân, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sinh sản có chất lượng. Phấn đấu tốc độ tăng dân số ở mức khoảng 1% vào năm 2015 và ổn định ở mức khoảng 1% vào năm 2020. Trong đó có 2 chỉ tiêu quan trọng là tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ) giảm xuống 1,9 con vào năm 2015 và 1,8 con vào năm 2020. Quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người vào năm 2015 và 98 triệu người vào năm 2020.

Thách thức của Việt Nam trong giai đoạn này là tốc độ già hóa dân số nhanh, dự báo Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Về cơ cấu và phân bổ dân số, mục tiêu là thúc đẩy phân bố dân số phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội quốc gia; tăng cường lồng ghép các yếu tố về dân số vào hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành.

Giảm mạnh tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, đặc biệt tập trung vào các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về tỷ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỷ số này trở lại mức 105 - 106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái khoảng năm 2025…

Kết quả là cơ cấu dân số có sự thay đổi tích cực: Dân số trong độ tuổi từ 15 - 64 tuổi chiếm 68% (năm 2009) tăng lên 69,1% (năm 2019); lao động công nghiệp và dịch vụ tăng 65%, lao động nông nghiệp giảm còn 35% (năm 2009). Dân số đã có sự phân bố lại hợp lý hơn trên phạm vi cả nước, mật độ dân số của Đồng bằng sông Hồng đã giảm dần, Tây nguyên và Đông Nam bộ mật độ dân số tăng khoảng 2 lần. Dân số đô thị tăng lên 34,4% (năm 2019), đáp ứng nhu cầu lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế… Tuy nhiên thách thức là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng thừa nam, thiếu nữ đã ở mức cao, ngày càng lan rộng, cả thành thị và nông thôn.

Về chất lượng dân số, Việt Nam đề ra mục tiêu nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ em, thu hẹp đáng kể sự khác biệt về các chỉ báo sức khỏe trẻ em giữa các vùng, miền. Cải thiện sức khỏe sinh sản của người chưa thành niên và thanh niên. Tăng tỷ lệ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên có điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (NCT) lên 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.

Thách thức lớn nhất của giai đoạn này chính là NCT chưa được quan tâm chăm sóc tốt, 70% NCT phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình (chỉ có hơn 25,5% NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội), 70% NCT không có tích lũy vật chất, 62,3% khó khăn, thiếu thốn. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước…

CHÍNH SÁCH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới, khẳng định phương hướng, chiến lược mới cho công tác dân số của Việt Nam, đó là: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.

Nghị quyết 21 cũng đề ra mục tiêu: “Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu “dân số vàng”, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”.

Quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, với 8 mục tiêu cụ thể:

Mục tiêu 1: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản; giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn.

Mục tiêu 2: Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số dưới 10 ngàn người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi, duy trì tỷ lệ tăng dân số của các dân tộc thiểu số dưới 10 ngàn người cao hơn mức bình quân chung cả nước; cơ bản ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; bảo đảm tốc độ tăng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng dân số của các dân tộc thiểu số dưới 10 ngàn người cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước.

Mục tiêu 3: Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%; tỷ lệ NCT từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 11%, tỷ lệ phụ thuộc chung đạt khoảng 49%.

Mục tiêu 4: Nâng cao chất lượng dân số. Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm; Chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Mục tiêu 5: Thúc đẩy phân bố dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thúc đẩy đô thị hóa, đưa tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45%; tiếp tục thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Mục tiêu 6: Hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội: 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất, dùng chung trên quy mô toàn quốc; 100% ngành, lĩnh vực và địa phương sử dụng dữ liệu chuyên ngành dân số vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu 7: Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững. Tiếp tục thực hiện tốt, hướng đến đạt mục tiêu cao hơn các chiến lược về giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… hiện có; nghiên cứu xây dựng các chiến lược, chương trình về những lĩnh vực nêu trên cho giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu tăng tối đa số lượng việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo, cải thiện chất lượng việc làm.

Mục tiêu 8: Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe NCT: Ít nhất 50% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với NCT; khoảng 70% NCT trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất. 100% NCT có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền rộng rãi, vận động của cấp ủy, chính quyền và thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Thực hiện kế hoạch, mục tiêu hằng năm; phối hợp liên ngành; lồng ghép các yếu tố dân số… Rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành các hoạt động về dân số và phát triển...

THU THỦY

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202112/tien-giang-nang-chat-luong-dan-so-va-giai-quyet-tot-van-de-co-cau-dan-so-941050/