Tiền Giang: Những 'điểm nhấn' trong công tác khoa giáo - văn hóa, văn nghệ

Trong năm 2021, các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị ngành khối Khoa giáo - Văn hóa, văn nghệ (KG-VHVN) tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy, nhất là từ khi Quyết định 238 của Ban Bí thư về 'Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan Nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm nhân dân quan tâm' đã được cấp ủy, chính quyền tỉnh Tiền Giang quan tâm lãnh đạo, triển khai thực hiện. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, các ngành trong khối đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trong công tác trực chiến, phối hợp, cung cấp và xử lý thông tin từ dư luận xã hội..., đảm bảo yêu cầu công tác tuyên truyền, định hướng trong nhân dân.

Năm 2021 là năm hết sức đặc biệt, với nhiều sự kiện quan trọng, nhưng cũng là năm có nhiều khó khăn, biến động; đặc biệt, tình hình hạn, mặn và dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền tỉnh Tiền Giang trong triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên các lĩnh vực khoa giáo - văn hóa, văn nghệ (KG-VHVN) luôn kịp thời, đi vào nền nếp và có chuyển biến rõ nét.

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT

Lĩnh vực y tế: Ngành Y tế tiếp tục quan tâm, lãnh đạo toàn ngành thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân; nhất là phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tính đến ngày 7-11-2021, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận 18.104 ca mắc, 15.199 ca khỏi bệnh.

Ngay khi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phát sinh ca bệnh Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh và các địa phương đã khẩn trương tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và của Bộ Y tế.

Bố trí thêm nhiều cơ sở vật chất để thu dung điều trị F0, tăng cường chiến dịch truy vết, đưa vào sử dụng 5 hệ thống RT-PCR công suất 3.000 mẫu/ngày, tích cực phân tầng trong điều trị những ca diễn tiến nặng, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, đã kéo giảm tỷ lệ tử vong từ 2,5% (thống kê ngày 14-9-2021) xuống còn 2,29% (thống kê ngày 7-11-2021)...

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Nhiều sự việc biến động do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ của ngành Giáo dục, vừa tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, vừa triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2021 - 2022. Tổ chức thành công Kỳ thi lớp 10 và 2 đợt của Kỳ thi trung học phổ thông năm 2021 nghiêm túc, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức thi đúng kế hoạch, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Các cơ sở giáo dục tích cực hưởng ứng thực hiện đồng bộ, hiệu quả theo Nghị quyết 29 của Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh và phương pháp dạy học đã được đổi mới, vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến và thí điểm dạy học trực tiếp ở bậc cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông của huyện Tân Phú Đông. Công tác bồi dưỡng, tập huấn chính trị hè năm 2021 cho giáo viên, học sinh, sinh viên theo hình thức trực tuyến và công tác khuyến học - khuyến tài được quan tâm, chỉ đạo triển khai, quán triệt, thực hiện có hiệu quả.

Lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN): Ngành chủ động, tập trung xây dựng và thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về chuyên môn: Nhiều nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh và cấp cơ sở được thực hiện và nghiệm thu; công tác quản lý công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản lý sở hữu trí tuệ, quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân, quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thanh tra KH-CN được thực hiện nghiêm theo quy định.

Lĩnh vực tài nguyên - môi trường (TN-MT): Ngành TN-MT tích cực tuyên truyền pháp luật, thẩm định và đánh giá xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý đa dạng sinh học, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện nghiêm túc, trong đó có xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ việc xây dựng, thực hiện các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội: Thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động; hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến ngày 30-10-2021, tỉnh đã hỗ trợ 25.725 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động nghỉ việc không hưởng lương với tổng số tiền hỗ trợ hơn 79 tỷ đồng; tiếp nhận 12.002 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền chi trả hơn 193 tỷ đồng.

Công chức Lao động, Thương binh và Xã hội xã Phú An trao tiền hỗ trợ do dịch Covid-19 cho người bán lẻ vé số tại ấp 3. Ảnh: Quế Ngân

Công chức Lao động, Thương binh và Xã hội xã Phú An trao tiền hỗ trợ do dịch Covid-19 cho người bán lẻ vé số tại ấp 3. Ảnh: Quế Ngân

Các lĩnh vực văn hóa - văn nghệ (VH-VN): Ngành Văn hóa bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Ban Tuyên giáo Trung ương, của Tỉnh ủy, chủ động xây dựng nhiều phương án, kế hoạch triển khai các hoạt động VH-VN trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, để cổ vũ, động viên nhân dân, cùng các cấp, các ngành tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Chất lượng xây dựng xã, phường đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và văn minh đô thị ngày càng nâng lên. Tính đến tháng 10-2021, toàn tỉnh ra mắt được 118 xã nông thôn mới, chiếm 82,5% số xã; có 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 đô thị là TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công và TX. Cai Lậy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 2 huyện Chợ Gạo và Gò Công Đông đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

VẪN CÒN NHỮNG KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ

Lĩnh vực y tế đã xảy ra nhiều vụ lộ, lọt các văn bản, báo cáo của ngành Y tế, UBND các cấp về các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trên mạng xã hội, gây phức tạp về an ninh trật tự, hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của bệnh nhân; xuất hiện tình trạng lơ là, tâm lý chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19 của một bộ phận người dân.

Thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực KG-VHVN. Đồng thời, tập trung nắm bắt dư luận xã hội về các vấn đề nhạy cảm, phát sinh liên quan đến tình hình phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy, như: Tình hình xét tốt nghiệp trung học cơ sở, tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2021 - 2022; các hoạt động

VH-VN, thể thao phục vụ nhân dân; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 theo Nghị định 68 của Chính phủ và các chính sách an sinh khác hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh…

Lĩnh vực GD-ĐT thiếu nguồn tuyển giáo viên hằng năm do tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ giáo viên đầu vào. Chất lượng hướng nghiệp và đào tạo nghề cho học viên, sinh viên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở kết quả chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Mô hình dạy học trực tuyến ban đầu có nhiều khó khăn do thiết bị học tập, đường truyền Internet chưa ổn định...

Công tác tuyên truyền, quảng bá các ứng dụng KH-CN vào đời sống và sản xuất; phát triển nguồn nhân lực trong nghiên cứu, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra ở một số khu vực dân cư, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt ở một số khu vực chăn nuôi tập trung.

Việc giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động nghỉ việc không hưởng lương theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng Chính phủ còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ giải quyết hồ sơ theo quy định, vì quy trình xét duyệt hồ sơ cần gửi các ngành lấy ý kiến, tổng hợp trình từ cấp huyện lên cấp tỉnh qua nhiều giai đoạn.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp và kéo dài, nên một số hoạt động được tổ chức với quy mô nhỏ, giới hạn số lượng người tham dự nên hiệu quả tuyên truyền trên diện rộng chưa đạt yêu cầu. Công tác phối hợp giữa các ngành trong việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới có nơi chưa thật chặt chẽ. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở có lúc, có nơi chưa khai thác tốt về công năng, nhất là tổ chức các hoạt động VH-VN phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân.

HÀ THOA

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202111/tien-giang-nhung-diem-nhan-trong-cong-tac-khoa-giao-van-hoa-van-nghe-938752/