Tiền Giang: Nỗ lực giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Nhiều năm qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Tiền Giang (gọi tắt là Trung tâm) trở thành điểm tựa, là 'mái nhà chung' của trẻ khuyết tật (TKT). Với các lớp học, cùng những hoạt động phát hiện sớm, can thiệp, tăng động giảm chú ý, rối loạn phát triển, chăm sóc TKT… Trung tâm đã giúp xoa dịu những khiếm khuyết của TKT, giúp các em phát triển kỹ năng sống tự lập, có thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Trong năm học 2023 - 2024, Trung tâm có 122 trẻ được xét nhận vào chương trình can thiệp giáo dục sớm, tổng số trẻ can thiệp giáo dục sớm, phục hồi chức năng và giáo dục kỹ năng trong năm học này là 273 trẻ. Trong năm học 2024 - 2025, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ 165 TKT. Mỗi em có một hoàn cảnh, sở thích, cá tính... khác nhau nên việc dạy dỗ, chăm sóc không hề dễ dàng. Do vậy, giáo viên ở Trung tâm phải biên soạn giáo án “đặc biệt” phù hợp với năng lực, nhu cầu, kiểu học, cách học của mỗi trẻ, góp phần cải thiện các lĩnh vực nhận thức, quan hệ xã hội, ngôn ngữ, tự phục vụ...

Hoạt động theo nhóm của TKT ở Trung tâm.

Hoạt động theo nhóm của TKT ở Trung tâm.

Trong năm học 2023 - 2024, đối với nhóm trẻ khó khăn về vận động tại Trung tâm, sau khi được phục hồi chức năng, đa số trẻ đều có tiến bộ đang trong giai đoạn tập đi; biết tự ngồi, chịu hợp tác trong các động tác; có 1 trẻ đạt mốc vận động bình thường.

Cô Bùi Thị Diện (Trưởng Phòng Giáo dục bộ môn và Phục hồi chức năng của Trung tâm), là giáo viên dạy lớp Can thiệp sớm trẻ rối loạn phổ tự kỷ, TKT trí tuệ, trẻ có vấn đề hành vi, chia sẻ: “Dạy trẻ khiếm khuyết, giáo viên cần xây dựng bài giảng chi tiết, lặp đi lặp lại để trẻ hiểu; từng động tác, lời nói hướng dẫn phải chậm rãi để trẻ dễ ghi nhớ.

Hành trình hòa nhập mỗi trẻ khác nhau, tùy theo mỗi dạng tật mà có trẻ tiếp thu nhanh, có trẻ cả một thời gian dài không chuyển biến... Trong kế hoạch bài giảng của giáo viên không có khái niệm thời gian hoàn thành nội dung dạy và học, thậm chí một nội dung bài học có thể kéo dài đến 2 tuần”.

Để nâng cao hiệu quả giảng dạy, tùy từng em học sinh, cô giáo áp dụng các phương pháp dạy học phù hợp với từng loại tật, mức độ tật khác nhau; khai thác và sử dụng tốt các thiết bị, đồ dùng dạy học... Cùng với đó, các cô còn là những “người bạn” kịp thời chia sẻ tâm tư, động viên giúp các em bày tỏ nhu cầu, cảm xúc mình mong muốn.

Không ngại đường xa khó nhọc, hằng tuần, các bậc phụ huynh đều đặn đưa con bị khuyết tật đến Trung tâm để học tập, rèn luyện kỹ năng, với mong mỏi được nhìn thấy con phục hồi các chức năng, sớm hòa nhập cộng đồng, cùng vui chơi, sinh hoạt, học hành như bạn bè cùng trang lứa bình thường khác.

Là một trong những phụ huynh đang có con theo học tại Trung tâm, chị Nguyễn Thị Hạnh (TP. Mỹ Tho) tâm sự: “Con trai tôi hiện được 4 tuổi, bé không có phản ứng hay trả lời khi có người khác gọi, không biết thể hiện nhu cầu khi giao tiếp… Với sự hỗ trợ, can thiệp của giáo viên ở Trung tâm, đến nay, con tôi đã biết diễn tả nhu cầu của mình, biết giao tiếp với các bạn trong lớp học. Gia đình cảm ơn sự hỗ trợ của Trung tâm rất nhiều, mong rằng nhiều trẻ có khiếm khuyết như con tôi sẽ được giúp đỡ, dạy dỗ để hòa nhập với cộng đồng”.

Nhờ ân cần dạy dỗ, sau thời gian theo học, phần lớn TKT ở Trung tâm đã biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh lớp học, biết bảo quản sách vở, đồ dùng học tập, nghe lời dạy bảo của cô giáo. Từ những đứa trẻ nhút nhát, tự ti, các em đã mạnh dạn giao tiếp với cô giáo, vui đùa cùng bạn bè và mọi người xung quanh.
Theo chia sẻ của các cô giáo dạy trẻ chuyên biệt, việc nuôi dưỡng, giáo dục TKT trí tuệ, trẻ tự kỷ là một hành trình gian nan, đòi hỏi tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Có thể mất nhiều thời gian mới có thể dạy trẻ học được một con chữ hay làm một phép cộng đơn giản, nhưng chứng kiến sự tiến bộ từng ngày của trẻ là niềm hạnh phúc khó đong đếm của giáo viên ở Trung tâm.

Giám đốc Trung tâm Cao Thị Tiếng cho biết, để đạt được kết quả trên, Trung tâm chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học trong chương trình can thiệp sớm; tăng cường các hoạt động dạy kỹ năng sống và kỹ năng độc lập, giáo dục giới tính cho nhóm trẻ lớn; kết nối với các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trước mỗi năm học, đội ngũ giáo viên Trung tâm đều tham gia tập huấn về kiến thức, kỹ năng, cập nhật những phương pháp mới trong cách tiếp cận và hỗ trợ TKT.

Bên cạnh đó, Trung tâm xây dựng kế hoạch dạy học dựa theo năng lực, nhu cầu của từng trẻ. Thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm, nhu cầu TKT. Chú trọng phương pháp thực hành trải nghiệm; sử dụng công cụ đánh giá năng lực của TKT đầu năm và trẻ mới vào chương trình. Tổ chức đánh giá khả năng nhu cầu của tất cả TKT, phân loại khả năng nhu cầu, sắp xếp phân công phù hợp, xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho TKT. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động can thiệp giáo dục sớm cho TKT các dạng.

Qua các hình thức hỗ trợ, can thiệp của Trung tâm, nhiều trẻ thành công, vượt qua khiếm khuyết bản thân, phụ huynh có thêm kinh nghiệm chăm sóc, hỗ trợ con; giáo viên nắm bắt được trẻ của mình còn thiếu kỹ năng nào để từ đó bổ sung vào kế hoạch can thiệp, hỗ trợ cá nhân. Tuy nhiên, để giúp TKT hòa nhập cộng đồng, rất cần sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và xã hội cùng chăm sóc, giáo dục, từng bước giúp các em khắc phục sự khiếm khuyết về thể chất và trí tuệ, phát huy tối đa khả năng của bản thân, giảm phụ thuộc gia đình. Từ đó, có cơ hội việc làm và tham gia vào các hoạt động xã hội khi trưởng thành.

SONG AN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202407/tien-giang-no-luc-giup-tre-khuyet-tat-hoa-nhap-cong-dong-1016843/